Tạo áp lực cho ngành chăn nuôi bằng mục tiêu xuất khẩu

  • 17/09/2020 11:58:11
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

'Không để như hiện nay, ngành nông nghiệp xuất khẩu 40 tỷ USD, sản phẩm đi 120 nước, nhưng 'soi kính hiển vi' không thấy chăn nuôi đâu.."

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Không để như hiện nay, ngành nông nghiệp xuất khẩu 40 tỷ USD, sản phẩm đi 120 nước, nhưng “soi kính hiển vi” không thấy chăn nuôi đâu, xuất khẩu chỉ có tý mật ong, trứng muối, lợn sữa”.

Tiêu thụ ở chợ nông thôn là chính

Phát biểu tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sau hơn 10 năm (2008 - 2018) triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đã đạt được thành tựu to lớn, phát triển với tốc độ cao góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Nhiều lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, như: chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á... Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,0 - 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khâu tổ chức thị trường sản phẩm chăn nuôi còn yếu, tiêu thụ ở chợ nông thôn là chính. Hằng năm có tăng trưởng nhưng vẫn xảy ra chuyện “giải cứu” vì sản xuất tốt nhưng không liên hoàn chuỗi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số. Điều này cũng khiến khâu kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, chất lượng, năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp… Một số dịch bệnh nguy hiểm chưa được thanh toán, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng và làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi. Nhiều cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải chưa tốt vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cho cây trồng. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao về giá cả, chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế, năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước ta nhìn chung còn yếu. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch của ngành chăn nuôi mặc dù đã có, nhưng khâu thực hiện vẫn còn chưa triệt để, khiến ngành chăn nuôi vẫn còn tự phát, chạy theo phong trào. Điều này khiến cung - cầu về sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định, lúc thừa, lúc thiếu. Điển hình là mặt hàng thịt lợn những năm gần đây liên tục biến động. Năm 2017 Chính phủ phải kêu gọi “giải cứu” thịt lợn dư thừa, nhưng từ cuối năm 2019 đến nay lại xảy ra tình trạng khan hiếm, phải kêu gọi giảm giá thịt lợn.;

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều thời cơ và vận hội lớn có triển vọng lớn hướng tới xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường trong nước và quốc tế đang ngày càng tăng cao. Chủ trương phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, toàn diện luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. Đây là nền móng để ngành chăn nuôi phát triển trong giai đoạn tới. Vì vậy, việc Bộ NN&PTNT xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 là yêu cầu cấp thiết để ngành chăn nuôi có định hướng, cơ sở phát triển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 đã được Bộ NN&PTNT tiến hành xây dựng chặt chẽ, có chất lượng, trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược chăn nuôi mới có tầm nhìn xa hơn mà theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chiến lược này sẽ khắc phục những tồn tại căn cốt, tổ chức lại chăn nuôi, xác định những định hướng lớn cho phát triển, lấy 3 trục làm hiệu quả bền vững của mục tiêu chăn nuôi, đó là: kinh tế, môi trường và an sinh. Chăn nuôi phải trở thành ngành kinh tế hiện đại, đồng bộ tất cả các khâu, phải đi đầu trong kinh tế tuần hoàn. 100 triệu tấn chất thải phải áp dụng công nghệ mới nhất để biến thành phân bón, sử dụng cho cây trồng...

“Đồng thời, lấy mục tiêu xuất khẩu, coi đây là áp lực cần thiết để buộc chúng ta phải làm tốt. Để làm được, phải tận dụng yếu tố thời đại công nghệ 4.0, đa dạng sinh thái, đặc biệt là cả 3 khu vực Nhà nước, doanh nghiệp, người dân phải cùng vào cuộc” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Đến năm 2025, sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 5,0 - 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6,0 - 6,5 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 - 25% thịt và trứng gia cầm, sản lượng đạt từ 18 - 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 - 1,8 triệu tấn sữa. Đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: từ 25 - 30% vào năm 2025, từ 40 - 50% vào năm 2030.

Định hướng tầm nhìn 2040, chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. 100% thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận