Công ty Cổ phần đầu tư An Thái là một trong số các doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk đầu tư sâu và rộng vào nông nghiệp, với nhiều sản phẩm có thể mở rộng tiêu thụ tại thị trường EU. Công ty đã khép kín từ đầu tư vùng nguyên liệu đến xây dựng nhà máy tinh chế cà phê công suất 20.000 tấn mỗi năm; có nhiều sản phẩm mới và chất lượng. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất, chế biến nhiều loại nông sản thế mạnh, như hạt tiêu, ca cao, mắc ca, nên càng kỳ vọng vào những cơ hội mới.
Dù vậy, khi đề cập cơ hội ở thị trường này, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư An Thái cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam chỉ thành công khi trụ vững được trước những doanh nghiệp cực mạnh trong cùng ngành hàng.
“Đây là cơ hội để doanh nghiệp bước vào thị trường khó tính hơn. Tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn bởi doanh nghiệp chúng ta có bề dày nhưng so với các doanh nghiệp cà phê trên thế giới thì họ còn mạnh hơn mình rất nhiều. Chính vì thế chúng ta đang phải chiến đấu với những gã khổng lồ”, ông Nguyễn Xuân Thái nói.
Trong khi các doanh nghiệp ở Tây Nguyên đặc biệt lưu tâm đến nâng cấp công nghệ, đổi mới chiến lược, chiến thuật kinh doanh, hướng đến chiến thắng trong áp lực cạnh tranh lớn tại thị trường EU thì các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt chú trọng đến củng cố nền tảng sản xuất, phát huy ưu thế, khắc phục nhược điểm cố hữu của nông nghiệp của khu vực.
Đất đai màu mỡ, khí hậu đặc thù, trình độ nông dân tăng lên rất nhiều so với trước, vẫn không đủ bù đắp nhược điểm của nền nông nghiệp có 90% diện tích canh tác thuộc về các nông hộ. Việc mỗi hộ canh tác theo một cách riêng, không tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn chất lượng và môi trường, rất khó tạo ra sản phẩm lọt qua các lớp rào kiểm định nghiêm ngặt.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, để khắc phục nhược điểm lớn đang mắc phải, cách duy nhất là doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân và hợp tác xã. Hiện tại, cũng đã có hơn 150.000ha cà phê, tương đương gần 30% tổng diện tích, là vùng nguyên liệu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Mỗi năm, diện tích này cho sản lượng hơn 400.000 tấn cà phê hạt có chứng nhận chất lượng, bán được giá cao hơn từ 30 - 300 USD/tấn so với giá chung trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN & PTNT, nếu các liên kết này được nhân ra rộng khắp, nông nghiệp Tây Nguyên sẽ được tổ chức thống nhất trong các chuỗi giá trị. Tuy nhiên, việc liên kết, dù đã có quy mô đáng kể nhưng vẫn ở thế bấp bênh.
“Dường như các liên kết này còn rất bấp bênh. Nông dân thì quy mô nhỏ, năng lực để tuân thủ các quy định về chất lượng, vệ sinh ATTP vẫn còn nhiều vấn đề. Doanh nghiệp thì phần lớn hiện nay vẫn là tranh mua, tranh bán, vẫn thích mua trên thị trường trôi nổi rồi cầm cả lô hàng đẩy xuống tàu”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Ít liên kết, nhiều tranh mua, tranh bán, tranh sản xuất, nông nghiệp Tây Nguyên chưa xử lý kịp vấn đề của ngành hàng cà phê, hồ tiêu, lại tiếp tục gặp vấn đề ở ngành hàng trái cây, với khủng hoảng thừa sản phẩm trái bơ Booth là ví dụ nóng hổi. Từ mức gần 100.000/kg cách đây vài năm, hiện, giá trái bơ Booth chỉ còn dưới 10.000 đồng, mà rất khó bán.
Theo Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên, tỉnh Đăk Lăk, với cách làm nông đơn lẻ, cảm tính như hiện tại, nông sản làm ra sẽ gặp khó ngay tại thị trường trong nước chứ không đợi khi ra đến thị trường EU.
“Ngày trước bơ sáp của Đắk Lắk là bơ chính vụ, còn bơ booth là trái vụ, vậy nên giá bơ Booth cao. Vì thế nông dân chạy đua trồng bơ booth. Bao nhiêu diện tích bơ sáp cũng được cắt, ghép để thành bơ sáp vì việc cắt ghép này cũng chỉ tốn 1 năm là cho sản phẩm. Kết quả, đến thời điểm này, bơ booth biến thành bơ chính vụ, giá thấp. Còn bơ sáp lại chuyển thành bơ trái vụ, giá cao nhất đến 45.000 đồng/kg”, bà Nguyễn Thị Xuân Hương nói.
Để khắc phục tình trạng manh mún tràn lan, bên cạnh các doanh nghiệp lớn tích cực xây dựng vùng nguyên liệu, các hợp tác xã ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Canh tác theo quy trình VietGap đã trở nên phổ biến; sản xuất cà phê có chứng nhận quốc tế như 4C, UTZ, FairTrade để đáp ứng các thị trường cao cấp, cũng đã thành quen thuộc. Tuy nhiên, hầu hết các hợp tác xã cũng đang trong diện lực bất tòng tâm, chủ yếu vì vấn đề tài chính và kinh nghiệm thương trường.
Theo ông Vũ Đình Hoàng, phụ trách các dự án cà phê của HTX Sản Xuất Nông nghiệp & Dịch vụ Minh Toàn Lợi, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk, sau những chính sách hiệu quả trợ giúp nông dân và hợp tác xã, Nhà nước cần quan tâm thúc đẩy hơn nữa các liên kết, nhằm đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất và khâu đầu ra thị trường.
“Làm cà phê chất lượng cao và nông sản xuất khẩu đòi hỏi số vốn lớn. Mà hiện nay, toàn bộ các ngân hàng đều không chấp nhận cho hợp tác xã vay chỉ có thể huy động từ các thành viên. Như chúng tôi sản xuất 300ha mà huy động nội bộ được một vài tỷ thì không thấm thía gì. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách để kết nối chúng tôi với phía đầu vào và đầu ra, tức là với các doanh nghiệp cung cấp phân bón vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu”, ông Vũ Đình Hoàng chia sẻ.
Nông dân Tây Nguyên đã được nâng cao về trình độ; đất đai khí hậu khu vực Tây Nguyên có tính đặc thù cao, đảm bảo chất lượng nông sản có thể đáp ứng bất kỳ thị trường khó tính nào. Ở quy mô nhỏ, nông nghiệp Tây Nguyên đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp thành công. Nhưng EVFTA gồm những cam kết lớn cho những thị trường rất lớn. Nông dân, HTX, doanh nghiệp cần nối vòng tay đủ rộng, đủ chặt mới tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức đang mở ra./.
Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên