Không vội chủ quan với điểm sáng tăng trưởng dương

Sẽ còn nhiều nỗ lực cần thực hiện, còn nhiều việc phải làm trong 3 tháng cuối năm cũng như chuẩn bị cho năm 2021.

 

Tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội Quý III và 9 tháng năm 2020 diễn ra sáng 29/9, Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “GDP 9 tháng tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019 - là mức tăng thấp nhất 10 năm qua, nhưng là thành công lớn của nước ta, trên bình diện quốc tế. Nhiều lĩnh vực là điểm sáng của nền kinh tế khi tăng trưởng dương, trong bối cảnh tác động tiêu cực đa chiều”.

Cụ thể, ngoài số liệu GDP tăng trưởng 2,12%, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm nay có nhiều vấn đề đáng chú ý như tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133.600 doanh nghiệp, tăng 2,9%; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 4,2%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước; Lạm phát cơ bản tăng 2,59%...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm, hoặc âm với nhiều yếu tố rủi ro-thách thức như căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm; kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức…

Phát triển và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, cần gói hỗ trợ đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. (Ảnh minh họa).

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê khẳng định: “Kết quả này cho thấy tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ ban hành; các ngành, các địa phương và nhân dân triển khai nghiêm túc, hiệu quả - đặc biệt là giải pháp “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”.

“Trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn đều suy giảm nghiêm trọng và nhiều nước chỉ mong tăng trưởng không âm. Nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, ước tính GDP 9 tháng tăng 2,12%, đây là 1 con số ấn tượng, là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thúy chỉ rõ.

Đáng chú ý, cách đây chưa lâu, sau khi số liệu tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm được công bố với những tín hiệu tích cực, khả quan, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á đã nhận định, duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đương ở quý III, quý IV, Việt Nam chắc chắc lọt top 10, thậm chí top 5 tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới. Nhưng con số 2,12% tăng trưởng GDP của quý III đang góp phần sáng tỏ nhận định này. Nói như vậy không có nghĩa tình hình kinh tế xã hội trong nước đang toàn điểm sáng - màu hồng.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Duy Bình khuyến nghị, với xu thế này, Việt Nam kì vọng năm 2021 sẽ có kịch bản tăng trưởng tốt hơn nhiều năm 2020. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đầy đủ, Việt Nam là nền kinh tế có xuất phát điểm rất thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp, nên con số chưa đủ để Việt Nam có thể tạo đột phá trong dài hạn để có vị thế kinh tế cao hơn. Sẽ còn nhiều nỗ lực cần thực hiện, còn nhiều rủi ro với nền kinh tế, còn nhiều việc phải làm trong 3 tháng cuối năm cũng như chuẩn bị cho năm 2021.

“Nhu cầu toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn, sức mua của người dân chưa được phục hồi do thu nhập bị mất, do ảnh hưởng của dịch nên cần tìm những động lực tăng trưởng mới; cần tìm kiếm các cơ hội của thị trường từ Hiệp định CPTPP, EVFTA…để khắc phục các điểm yếu gặp phải trong thời gian qua. Cũng cần nhìn nhận đáng mừng là xuất khẩu tăng, nhưng nhập khẩu các thiết bị phục vụ sản xuất có phần suy giảm, điều này có thể gây rủi ro làm ảnh hưởng năng lực xuất khẩu của chúng ta trong 2021”, TS. Lê Duy Bình lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây cũng là một trong 6 nhóm giải pháp cơ quan này khuyến nghị, để kinh tế xã hội quý IV và cả năm nay hiệu quả tích cực hơn, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tập trung các giải pháp cụ thể.

“Một là có các gói hỗ trợ cần kíp đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân; vận động người dân ủng hộ doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Hai là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ba là điều chỉnh phương án cơ cấu sản xuất, dự đoán nhu cầu thị trường. Bốn là kích cầu đầu tư, tận dụng cơ hội từ EVFTA, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước có đủ năng lực sản xuất. Năm là điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá linh hoạt, hài hòa với các chính sách khác. Sau cùng là tiếp tục theo dõi cảnh báo thiên tai, hạn chế thiệt hại, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới”, bà Hương chỉ rõ.

Như vậy, dù 9 tháng qua, kinh tế xã hội đã đạt được hiệu quả tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đa chiều, dù tốc độ tăng trưởng cả năm có đạt Top 5, Top 10 như dự báo của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam vẫn phải nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những hạn chế, yếu kém của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận