Phát biểu khai mạc Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định, Nghị quyết 42 là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng, khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.
Vướng mắc kéo dài nhiều năm đã được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, song song với quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1058 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Quyết định số 1058 tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm thực tế triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ...
Phó Thống đốc nhận định: “Đến nay, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được hơn 3 năm, có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Nghị quyết 42 có giá trị pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một Nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu”.
Theo Công ty Quản lý tài sản (VAMC) xử lý nợ xấu, sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (từ 15/8/2017 đến tháng 8/2020), kết quả thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó (từ 2013 đến ngày 14/8/2017). Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó. Ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao rõ rệt, việc thu hồi nợ thông qua các biện pháp khác như tố tụng cũng tác động tích cực đến kết quả thu hồi xử lý nợ.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty Quản lý tài sản VAMC, cho rằng hoạt động quản trị đã thay đổi, tình trạng sở hữu chéo và bị các ông chủ ngân hàng chi phối đã được kiểm soát, con số nợ xấu đã giảm mạnh, khác biệt giữa thời kỳ có Nghị quyết 42 và chưa có Nghị quyết 42. Sự khác biệt cơ bản trước và sau Nghị quyết 42, đó là sự thay đổi trong ý thức của khách hàng về việc trả nợ.
“Trước đây có nhiều khách hàng chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ thì nay có Nghị quyết 42 giúp khách hàng ý thức được nghĩa vụ trả nợ, có vay có trả. Và điều này thể hiện ở số liệu thu hồi nợ do biện pháp tự trả nợ tăng mạnh. Nghị quyết 42 còn cho phép VAMC và các TCTD có nhiều biện pháp hơn trong việc xử lý nợ, đặc biệt là mua bán nợ, có chức năng mua bán nợ, cho phép bán nợ cho các tổ chức và cá nhân, hình thành thành thị trường mua bán nợ”, ông Nam nhấn mạnh.
Khó khăn phát sinh vì dịch COVID-19
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD nhưng với kết quả đạt được nêu trên, hoạt động của các hệ thống các TCTD đã có sự chuyển biến về chất và lượng, qua đó góp phần đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo. Các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nên kinh tế. Theo đó, Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/08/2017.
Do đó, sau thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý TSBĐ bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trong các tháng đầu năm 2020 sẽ ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành Ngân hàng trong giai đoạn 2016- 2020. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó trong việc trả nợ ngân hàng nên nợ xấu trong thời gian tới sẽ tăng lên và ngành Ngân hàng cần có giải pháp ứng phó với tình hình nợ xấu hậu COVID-19.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, đánh giá kinh tế thế giới phục hồi khá nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát: “ Các nước hiện đang nỗ lực kiểm soát dịch đồng thời với hồi phục kinh tế; cuộc đua nghiên cứu và sản xuất vaccine; tích lũy kinh nghiệm sống và làm việc trong bối cảnh “bình thường mới”; quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn; nhưng tiềm lực các nước mạnh hơn, Chính phủ, Ngân hàng Trung ương ra tay nhanh và mạnh hơn...”.
TS Cấn Văn Lực khuyến nghị một số vấn đề cần lưu ý đối với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 như đánh giá, xác định nhu cầu cơ cấu lại?; Chiến lược tài chính toàn diện; đề án thanh toán không tiền mặt (sửa đổi)…
Cũng theo ông Lực, vẫn cần đề phòng những rủi ro nếu xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ ba ở diện rộng, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi theo hình chữ M-ngược. Bên cạnh đó, cạnh tranh thương mại vẫn luôn căng thẳng, địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường…/.
Theo VOV.VN