Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng
Mới đây, một số lô hàng thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan bị trả lại do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này. Các doanh nghiệp phản ánh lại rằng, từ trước tới nay xuất khẩu thanh long sang Thái Lan chất lượng tương đương như xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ 1/8/2020, các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với nhập khẩu nông sản tươi của cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Thái Lan ban hành có hiệu lực đã dẫn đến “rủi ro” này.
Theo quy định của FDA Thái Lan, thực phẩm tươi nhập khẩu vào nước này sẽ được phân loại thành 3 nhóm dựa trên mức độ rủi ro, đó là: nhóm rủi ro rất cao, nhóm rủi ro cao và nhóm rủi ro thấp. Nhóm rủi ro rất cao được định nghĩa là những bên không tuân thủ các quy định của Thái Lan liên quan đến dư lượng thuốc BVTV. Quy định mới này đã xếp gần 30 mặt hàng, bao gồm cam, thanh long, lê, vải, táo, nho, quýt và chà là tươi đến từ 182 công ty của Trung Quốc nằm trong danh sách này. Và bây giờ đến thanh long Việt Nam.
Tuy nhiên, đây không phải trường hợp đáng tiếc duy nhất xảy ra đối với nông sản Việt. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, vừa qua Campuchia cũng trả lại lô hàng hồ tiêu của Việt Nam. Phía Campuchia kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu, phát hiện vượt ngưỡng nên đã trả lại.
Sau khi nhận được thông tin về lô hàng vi phạm, Cục BVTV đã truy xuất tới tận địa phương có sản phẩm đó và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm này. Qua truy xuất, Cục BVTV đã phát hiện tình trạng một số công ty có mã số vùng trồng nhưng số lượng xuất khẩu không đủ theo đơn hàng nên đã thu mua thêm một số hàng hóa ở bên ngoài mới dẫn đến các sản phẩm này không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của bên nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu từ thị trường
Cục BVTV đã nhiều lần cảnh báo không chỉ Thái Lan mà thị trường Trung Quốc cũng ngày càng siết chặt quy định về an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy, các mặt hàng rau, quả Việt nếu cứ trồng theo kiểu tự do, phun thuốc không đúng liều lượng, không tự nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ không có cửa xuất khẩu.
Để từng bước khắc phục tình trạng này, Cục BVTV đang phối hợp với tất cả địa phương để tổ chức liên kết sản xuất, quản lý từ khâu đưa vào vật tư đầu vào, thuốc BVTV, phân bón... cho đến xuất khẩu. Trước đó, Cục đã triển khai mô hình này với cây cà phê và cho thấy hiệu quả rất tốt. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN&PTNT cho biết: “Hằng năm, đơn vị có phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cơ quan an toàn thực phẩm của Bộ Y tế khảo sát và rà soát cả nông sản trong nước lẫn xuất khẩu”.
Ở khía cạnh thị trường, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích, nhiều sản phẩm nông sản như gạo, hạt điều, tôm, rau quả, gỗ... đang có nhiều dư địa, tiềm năng xuất khẩu. Ví dụ, mặc dù hạt điều và cà phê trên thế giới chưa hết chu kỳ giảm giá nhưng ngay cả khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ diễn biến dịch Covid-19 là Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Đức vẫn duy trì là những nước nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững, các ngành hàng này không nên chạy theo số lượng mà cần đi sâu vào chất lượng. Đi theo hướng này sản phẩm gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Ngoài ra, với mặt hàng tôm, bằng biện pháp quyết liệt trong tái cơ cấu và làm tốt khâu truy xuất nguồn gốc cho thấy những tăng trưởng vượt bậc. Hay mặt hàng chanh leo của Việt Nam tại thị trường EU đã cạnh tranh tốt với “người khổng lồ” là Ecuador…“Điều này cho thấy thị trường có nhu cầu rất lớn, nếu nông sản Việt Nam sản xuất bài bản chắc chắn sẽ “ăn sâu, bám rễ tốt”, ông Toản cho biết
Đặc biệt, với thị trường EU, chúng ta đang được hưởng rất nhiều lợi thế từ EVFTA nhưng hàng rào kỹ thuật của thị trường này rất khắt khe. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, từ khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, cơ hội để triển khai EVFTA là rất lớn. Cụ thể, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ghi nhận tăng trưởng rõ rệt. Tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1/8 đến nay đạt trên 766 triệu USD. So với tháng 7/2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 và tháng 9/2020 lần lượt tăng 11,5% và 32,4%. Đơn hàng hiện nay khá nhiều. Tuy nhiên, với những thị trường khó tính thì việc giữ được, tăng trưởng tốt sẽ là bài toán rất khó khăn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất yêu cầu từ thị trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý xuyên suốt từ giống, vật tư đầu vào, quy trình canh tác đến chế biến mới trụ vững được”./.