Mới đây, Bộ VH-TT&DL ban hành công văn 3455/BVHTTDL-TCDL tiếp tục phát động kích cầu du lịch những tháng cuối năm 2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Cả nước hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch
Chương trình kích cầu giai đoạn này hướng tới cả khách du lịch nội địa và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, lập tức được nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Toàn ngành thực hiện đảm bảo an toàn, theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và Bộ tiêu chí an toàn du lịch đã được ban hành. Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở quản lý du lịch chủ động chuẩn bị kịch bản phân luồng, hỗ trợ khách nếu có dịch bệnh xảy ra. Cần đẩy mạnh truyền thông trên các kênh truyền thông về an toàn phòng chống dịch bệnh, bởi từ khi dịch bùng phát lần 2, du khách có tâm lý rất e ngại đi du lịch vì lo sợ dịch bệnh.
Ngoài ra, các sản phẩm, dịch vụ phải có sức hấp dẫn đối với khách du lịch, chú trọng chất lượng sản phẩm, đa dạng chương trình, thêm giá trị gia tăng và nâng cấp dịch vụ, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp đưa ra chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt để du khách có thêm nhiều sự lựa chọn. Cần phát huy vai trò của các liên minh kích cầu, các địa phương trọng điểm du lịch và DN đầu tàu, có cam kết và tính đến các chính sách hoãn hủy linh hoạt.
“Đợt kích cầu lần này không chỉ hướng tới người Việt Nam mà còn nhằm vào người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Thông qua các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch golf… sẽ mang đến cho họ trải nghiệm về một Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Họ sẽ là những “đại sứ” thân thiện về du lịch Việt Nam đến với thị trường nguồn quốc tế”, ông Khánh cho biết.
Tại Đà Nẵng, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 vào cuối tháng 7, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, hưởng ứng chương trình kích cầu của Bộ VHTTDL, đầu tháng 10/2020, Đà Nẵng đã tung ra chiến dịch “Đà Nẵng nhớ bạn - Danang miss you” nhằm thu hút khách du lịch quay trở lại. Đây là chiến dịch giai đoạn 2 trong 3 giai đoạn truyền thông để phục hồi du lịch sau dịch bệnh gồm: giai đoạn 1 (Stay strong Danang) đã được triển khai trong thời gian TP. Đà Nẵng chiến đấu với dịch bệnh; giai đoạn 2 (Danang miss you) được thực hiện từ cuối tháng 9, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát; giai đoạn 3 (Danang is back) là giai đoạn du khách đã quay trở lại với những chương trình kích cầu cùng những lễ hội, sự kiện hoành tráng dịp cuối năm và đầu năm mới.
TP. Hồ Chí Minh khởi động chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh xin chào - Hello Ho Chi Minh City” nhằm giới thiệu hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố an toàn, sống động và thân thiện. Chương trình kéo dài từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2021. Cùng với chiến dịch truyền thông, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ triển khai các gói kích cầu du lịch, ưu đãi miễn giảm giá vé vào các điểm tham quan và các điểm cung cấp dịch vụ.
Nhiều địa phương khác cũng đưa ra các chương trình kích cầu du lịch sôi động như Hà Nội, Sa Pa - Lào Cai, Kiên Giang, Tây Bắc, Lâm Đồng, các tỉnh miền Trung,… mang lại không khí hào hứng, tích cực trong toàn ngành.
Liên kết để mạnh mẽ
Có thể nói, chỉ trong khoảng 3 tuần phát động, chương trình kích cầu du lịch lần 2 đã được các địa phương, DN du lịch, các hãng hàng không đồng loạt hưởng ứng và đẩy mạnh triển khai, mang lại không khí sôi động và hiệu quả thiết thực.
Các hãng vận tải, hàng không cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu, mở thêm đường bay mới. Các hãng lữ hành giảm giá tour để thu hút du khách. Hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng tung ra chương trình khuyến mãi ưu đãi. Các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group... cũng tích cực tham gia chương trình kích cầu, đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, chi phí hợp lý với chất lượng 5 sao.
Gượng dậy sau “cú đấm kép” của đại dịch Covid-19. Thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã chuẩn bị kịch bản cho đợt kích cầu du lịch mới nhằm phục hồi ngành công nghiệp không khói. Với những nỗ lực đó, các địa phương cùng DN, các nhà đầu tư sẽ sớm vượt qua cơn “bĩ cực”, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch vừa tạo nên sản phẩm có giá tốt thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Một trong những giải pháp quan trọng, đang được triển khai mạnh mẽ là tạo mối liên kết du lịch.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Sau 9 tháng hoạt động cầm chừng thì hiện nay nguồn lực của các DN đã bị suy giảm rất nhiều, chính vì vậy, kích cầu giai đoạn này, chúng tôi nêu cao vai trò của các hiệp hội, các liên minh kích cầu cũ và khuyến khích thành lập các liên minh kích cầu mới, vừa chia sẻ được nguồn lực, vừa phát huy tối đa thế mạnh của mỗi bên. Để các liên minh, liên kết hoạt động hiệu quả, các địa phương, DN cần khai thác lợi thế riêng biệt vùng miền của mình để phát triển đa dạng sản phẩm, tăng mức độ hài lòng cho du khách. Việc khai thác sự khác biệt trong chiến lược xây dựng sản phẩm chủ lực và thương hiệu chung của liên kết vùng sẽ tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch đặc sắc, hấp dẫn.
“Chủ trương xuyên suốt trong việc thực hiện kích cầu lần 2 là: DN du lịch sẽ không làm đại trà mà lựa chọn từng điểm đến kích cầu, trong đó đề cao tiêu chí chọn điểm đến an toàn. Điều quan trọng không kém là thời điểm tung ra chương trình kích cầu sao cho phù hợp thực tế bởi tâm lý tiêu dùng giờ đã khác, không thể vội vã mà phải chọn thời điểm phù hợp, lúc người dân cảm thấy thật an toàn tin tưởng khi đi du lịch”. Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội.
|
Ngay trong những ngày đầu tháng 10/2020 đã có một số liên minh kích cầu du lịch mới được hình thành như: Sở Du lịch và Sở VH-TT&DL 7 tỉnh/thành phố, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh; liên kết phát triển du lịch giữa 03 tỉnh Bình Định - Nghệ An - Hải Phòng. Các DN như Vietnam Airlines, Vietravel, Novaland ký cam kết tham gia kích cầu du lịch cùng liên minh 07 tỉnh, thành Đông Nam bộ - Bình Thuận…
Truyền thông du lịch an toàn
Để kích cầu du lịch, qua đó phục hồi thị trường nội địa trong đợt kích cầu lần này, việc đẩy mạnh truyền thông về điểm đến an toàn hấp dẫn là một mục tiêu quan trọng, góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19. Mục tiêu này cần sự vào cuộc của toàn ngành du lịch, các hiệp hội, địa phương… trên các kênh truyền thông trung ương, địa phương, qua đó góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể khống chế 100%.
Thực tế ghi nhận trong thời gian giãn cách xã hội, người dân tìm kiếm và tiếp cận công nghệ thông tin nhiều hơn; khách hàng tìm kiếm tour qua các ứng dụng công nghệ đã trở thành xu thế. Để đáp ứng được xu hướng mới của người tiêu dùng đòi hỏi ngành du lịch phải thay đổi cách thức truyền thông, quảng bá dịch vụ du lịch. Trong công văn phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020, Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các DN du lịch thành lập các liên minh kích cầu để thu hút khách, tạo nên sản phẩm có giá tốt, áp dụng tốt các biện pháp an toàn phòng dịch và đẩy mạnh truyền thông về an toàn cho du khách.
“Ở miền Bắc, hiện nay chùm tour Tây Bắc với những trải nghiệm mới ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín đang được thị trường yêu thích. Chùm tour đồng bằng sông Cửu Long với vai trò đầu tầu là TP.HCM cũng có sức hút với thị trường. Các khu nghỉ dưỡng biển phía Nam sẽ có sức hấp dẫn đối với khách miền Bắc, cũng như khách nghỉ cuối tuần từ TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Phú Quốc, Vũng Tàu, Côn Đảo, Nha Trang, Quy Nhơn, Mũi Né… Theo báo cáo từ các địa phương, số lượng khách đặt phòng trong tháng 11 và tháng 12 đang tăng trở lại ở một số điểm đến như Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai), TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu...”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay./.