Các ứng dụng gọi xe công khai việc thu phí nền tảng như thế nào?

Mỗi lần đặt xe qua ứng dụng, hành khách thường chỉ xem tổng chi phí và số tiền khuyến mại, ít người để ý chi tiết: trong giá cước còn bao gồm phí nền tảng.

 

Tuy nhiên, để thu phí nền tảng các ứng dụng đều phải thông báo rộng rãi, thậm chí phải xin xét duyệt từ các cơ quan chức năng

Hiện tại gần như tất cả các ứng dụng gọi xe lớn trên thế giới như Uber, Lyft, Gojek,… đều thu phí nền tảng với mức phí đa dạng. Uber và Lyft áp dụng từ cách đây nhiều năm với mức phí nền tảng 2 USD.

Gần nhất, GoJek, công ty gọi xe của Indonesia cũng tính thêm phí nền tảng 0,7 Singapore dollar (tương đương 0,5 USD), bắt đầu từ ngày 9/3 tại Singapore. Hay, Grab - siêu ứng dụng tại khu vực Đông Nam Á mới phụ thu phí nền tảng ở một số quốc gia.

Tại Singapore, Grab đề xuất phụ thu 0,3 Singapore dollar (tương đương 0,2 USD) nhưng phải chờ Cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (CCCS) lấy ý kiến người dân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Không phải công ty nào cũng buộc phải thực hiện các bước xin xét duyệt lên Cơ quan Cạnh tranh như Grab. Nhưng, trước đó Uber, Lyft và Gojek… thông báo rộng rãi tới người dùng qua nhiều kênh truyền thông.

Lý do Grab Singapore phải thông qua Cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vì đây là quy định sau thương vụ Uber bán hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab, đổi lại 27,5% cổ phần. Theo đó, Grab không được phép tự động thay đổi giá khi chưa có sự đồng ý từ Cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, để hạn chế tác động tiêu cực từ sát nhập.

Điểm đáng chú ý, tuy chưa chính thức thu phí nền tảng, nhưng Grab đã thông báo cụ thể mọi tiến trình tới người dùng ngay từ thời điểm gửi đề xuất lên Cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng qua rất nhiều kênh truyền thông như email, trang fanpage Facebook chính thức…

Vậy, các hãng gọi xe phụ thu phí nền tảng để làm gì?

Đại diện Uber cho biết: “Phí nền tảng giúp trang trải các chi phí về điều tiết, an toàn và vận hành bao gồm bảo hiểm hành khách và tài xế mỗi chuyến đi”.

Grab phải trải qua một quá trình xin ý kiến kéo dài hàng tháng về thu phí nền tảng ở Singapore.Với Gojek: “Tiền phí sẽ đi trực tiếp vào những sáng kiến cải thiện trải nghiệm khách hàng, đối tác lái xe để người dùng và tài xế được hưởng những chuyến đi thoải mái, an toàn và đáng tin cậy hơn nữa”.

Còn về Grab, ông Andrew Chan - Giám đốc phụ trách về giao thông cho biết: Công ty đã đầu tư hàng triệu USD mỗi năm để xây dựng và duy trì các tính năng công nghệ, nâng cao trải nghiệm và dịch vụ trên nhiều mức độ. Hơn 80 cải tiến công nghệ được thực hiện trên nền tảng này riêng trong năm 2019 như: nút bấm khẩn cấp, xác minh danh tính tài xế…

Bên cạnh đó, Grab dự định dành 2/3 số tiền thu được từ phí nền tảng cho quỹ phúc lợi của tài xế. Trong tương lai, hãng còn dự định thực hiện một số hoạt động khác như trợ cấp đào tạo để tài xế nâng cấp kỹ năng; đóng góp nhiều hơn vào Chương trình Tiết kiệm Y tế của GrabCar…

Song, động thái thu phí của các ứng dụng này đối mặt làn sóng ý kiến trái chiều từ dư luận. Một bộ phận người dùng không mấy dễ chịu khi bị tính thêm tiền.

Trên fanpage chính thức của Grab, nhiều người cùng có chung quan điểm với tài khoản có tên Aldo Tamo cho rằng: “Tại sao Grab tính khoản tiền huy động vốn để đầu tư vào chi phí của khách hàng. Thời gian này, cuộc sống người dân đã rất khó khăn vì dịch bệnh trong khi các bạn lại là những công ty được hưởng lợi từ đó. Thay vì tính thêm tiền, tại sao các bạn không giảm bớt chi phí cho người dùng?

Trong khi đó, một khách nữ thường xuyên sử dụng Grab tại Singapore cho biết: “Tôi chắc chắn, hãng sửa dụng tiền phí thu được để nâng cấp dịch vụ nhanh và an toàn hơn nên với tôi, số tiền 0,3 Singapore dollar là hợp lý”.

Đến thời điểm này, chưa rõ kết quả lấy ý kiến từ Cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Singapore cũng như quyết định cuối cùng của cơ quan này.

Còn tại Việt Nam, mới đây, báo chí đã phản ánh việc các ứng dụng như Grab, Be đang âm thầm phí sử dụng nền tảng 2.000 đồng cho mỗi chuyến đi. Với hàng trăm nghìn chuyến xe mỗi ngày thì đây là số tiền khổng lồ, cả tỷ đồng. Điều đáng nói là khách hàng không hề được biết về việc này. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng, cho rằng hành vi này là trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Phản hồi về thông tin này, đại diện Công ty TNHH Grab Việt Nam cho biết, trước khi triển khai thu phí nền tảng, Grab đã có thông báo đến đối tác tài xế và hành khách. Tuy nhiên, việc thông báo chỉ được Grab thông tin trên trang web của mình chứ không thông qua tin nhắn trên ứng dụng để hành khách được biết./. 

Quang Anh/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận