Kinh tế tập thể với vai trò cầu nối ở Thanh Hóa

Đến hết năm 2020, Thanh Hóa có 1.066 hợp tác xã với đầy đủ các loại hình dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại.

 

Đến hết năm 2020, Thanh Hóa có 1.066 hợp tác xã với đầy đủ các loại hình dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại... Sự phát triển của các HTX trong 5 năm qua cho thấy sức sống của kinh tế tập thể trong bối cảnh hội nhập.

Hợp tác xã vượt khó

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Thanh Hóa cho biết, tổng số HTX thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 là 251. Lãi bình quân một HTX ước đạt 238 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX đạt 44 triệu đồng/người/năm. Số HTX nông, lâm, ngư nghiệp đã tăng 74 HTX so với năm 2016 với hiệu quả hoạt động duy trì tốt.

Toàn tỉnh hiện có 60 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh và 452 HTX có tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân. Khối HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại có sự gắn kết, hình thành và phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề nên 215 HTX với 6.689 thành viên đạt doanh thu bình quân 4.100 triệu đồng/HTX/năm, lãi bình quân đạt 178 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân 36 triệu đồng/người/năm. Thanh Hóa có 27 HTX vận tải, tăng 06 HTX so với năm 2016, doanh thu bình quân đạt 6.500 triệu đồng/năm, lãi 650 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm...

Sau 5 năm thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của Đảng, Nhà nước, khu vực KTTT Thanh Hóa chuyển biến theo hướng ổn định và vững chắc hơn, phát triển đa dạng và hiệu quả hơn, thành lập thêm nhiều mô hình HTX kiểu mới, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn, nhất là hộ nghèo, tham gia chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, có nhiều câu hỏi đặt ra cho sự thành công của KTTT ở Thanh Hóa, nhưng câu trả lời đáng chú ý nhất là giải pháp đầu tư cho con người. Thanh Hóa đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 9.910 người là cán bộ quản lý và thành viên HTX; góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý HTX; tổ chức cho các HTX đi tham quan, học tập các mô hình điểm ở các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh thí điểm mô hình đưa các bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện thí điểm tại 05 HTX nông nghiệp trên địa bàn 4 huyện.

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hoá đã hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới thông qua việc triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh tại các địa phương, trạm, trại và HTX nông nghiệp. Hỗ trợ thí điểm mô hình chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.950 lao động tại 16 HTX với kinh phí hỗ trợ 1.385 triệu đồng... Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương, tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ 42 HTX của tỉnh Thanh Hoá hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn theo quy định và cho vay với tổng số tiền là 24.670 triệu đồng để đầu tư phương tiện vận chuyển, nhà xưởng sản xuất mạ khay, xây dựng trạm biến áp, nâng cấp đường điện, xây dựng nhà tời, xe kéo, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, KTTT, HTX chiếm tỷ trọng thấp; phát triển thiếu vững chắc, hiệu quả hoạt động của hầu hết các HTX chưa cao. Việc tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 còn chậm so với yêu cầu. Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể còn hạn chế, chưa tạo ra được môi trường thuận lợi hỗ trợ, khuyến khích và giúp đỡ HTX; việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách còn chậm; việc giao đất, cho thuê đất, còn nhiều hạn chế; thủ tục vay vốn vẫn còn phức tạp, khó tiếp cận. Chất lượng dịch vụ của HTX chưa cao, quy mô hoạt động nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định; tính liên kết, hợp tác kinh doanh nhằm tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa gắn kết. Trình độ năng lực cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX qua đào tạo còn thấp, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng

Giải pháp phát triển KTTT, HTX ở Thanh Hóa

Theo đánh giá của Liên minh HTX Thanh Hóa, việc quan trọng hàng đầu là cần nâng cao nhận thức về KTTT, HTX thông qua tuyên truyền sâu rộng Luật HTX, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát luật về phát triển KTTT, HTX tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động đối với phát triển KTTT, HTX. Tỉnh Thanh Hóa cũng cần phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương khác tham mưu cho Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT; hoàn thành xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia về HTX trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX theo hướng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các HTX nâng cao chất lượng phương án sản xuất kinh doanh; tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn vay tín dụng; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trình độ; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KTTT với các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết. Củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của Liên minh HTX tỉnh theo hướng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đại diện, tư vấn, hỗ trợ đối với sự phát triển của KTTT, HTX.

Yêu cầu trước mắt là đổi mới phương thức quản lý theo hướng sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của khu vực KTTT gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với KTTT.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận