Hậu quả nghiêm trọng

Hàng ngàn tỷ đồng là rất nghiêm trọng! Chưa kể điều đó làm cho doanh nghiệp và nhiều người khác sống dở chết dở.

- Ông giải thích cho tôi xem thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”?

- À ờ, đây là một cụm từ chung chung, cần áp dụng vào từng trường hợp cụ thể. Ông chuẩn bị xét xử vụ gì vậy?

- Chả xét xử gì cả, tôi muốn trao đổi với ông để về nhắc nhở thằng con nhà tôi. Hôm nọ nó lái xe chở tôi về quê mà tôi thường xuyên phải nói là nhường đường cho người khác, tránh ra, đi chậm lại…

- Xin lỗi tôi ngắt lời ông, con ông nó bảo là bố yên lặng để con xử lý, đã có gì nghiêm trọng đâu, đúng không?

- Đúng vậy! Nhưng tránh va chạm chứ xảy ra rồi thì hậu quả khó lường.

- Ông nói phải, còn nhớ hồi tôi được mời làm hội thẩm nhân dân có những vụ phải bỏ phiếu xem mức độ nghiêm trọng ra sao đấy ông à.

- Vụ gì mà… nghiêm trọng vậy?

- Nhiều lắm, để tôi ví dụ cho ông nghe, chẳng hạn như cái vụ mới đây người lái xe tải cố tình chắn đường xe cứu thương, theo luật chỉ phạt vài triệu đồng, thu bằng lái. Nhưng nếu hành vi ấy mà làm cho người bệnh không được cấp cứu kịp thời, nói dại, lỡ không qua khỏi thì tôi hỏi ông có nghiêm trọng không? Có nên khởi tố người lái xe tải không?

- Ông nói làm tôi nhớ đến vụ đại úy công an thản nhiên gọi điện thoại khi nhìn thấy người lái taxi bị đâm trọng thương vật lộn với kẻ cướp xe. May mà tên cướp nguy hiểm bị khống chế và sau đó tài xế taxi được cấp cứu kịp thời, nếu không có thể hậu quả đã rất nghiêm trọng.

- Đúng rồi, để tôi lấy thêm ví dụ này cho thời sự. Cựu bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng phạm vừa kháng cáo tội danh và mức án trong vụ cố ý làm trái gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng. Theo ông hậu quả ấy ở mức nào?

- Hàng ngàn tỷ đồng là rất nghiêm trọng! Chưa kể điều đó làm cho doanh nghiệp và nhiều người khác, nói như thế nào nhỉ, à, có thể nói là sống dở chết dở.

- Ờ, đơn kháng cáo nêu tình tiết giảm nhẹ như: khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, có ý thức hợp tác, nhiều thành tích, gia đình có công, hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… Theo ông, nên xem xét thế nào?

- Theo tôi, nên xem xét từng trường hợp. Tình tiết cũng phải làm rõ. Thái độ thành khẩn, hợp tác, lần đầu… thì rõ rồi. Về hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo thì cần xác minh. Riêng tình tiết gia đình có công khiến tôi hơi băn khoăn, có thể giảm hình phạt nhưng cái án trước gia đình dòng tộc chắc chắn sẽ nặng thêm, cái án trước công luận không thể nào giảm được, và còn danh dự nữa...

- Vậy là ông đã hiểu rõ thế nào là hậu quả nghiêm trọng.

- Vâng, tôi hiểu rồi, hậu quả chết người là rất nghiêm trọng, còn làm cho người khác sống dở chết dở là… cực kỳ nghiêm trọng!

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận