Không truy vết

Truy vết là tiến hành chức năng quản lý, nó ngược với tâm lý muốn tự do không bị truy vết của con người.

- Hồi ấy tôi rủ ông tham gia mạng Lotus thì ông không theo vì nhiều lý do khác nhau, mà lý do nào ông nói ra nghe cũng thấy xuôi. Giờ tôi mới thấy thói quen sính đồ ngoại là nguyên nhân cơ bản khiến người Việt Nam ta rất khó nội địa hóa được cái gì, từ cái xe máy, ô-tô cho đến nền tảng mạng giao tiếp xã hội.

- Ông vẫn thích truy vết à? Đấy mới chính là thói quen ông nên bỏ! Bộ Y tế vừa tuyên bố sẽ không thực hiện khai báo y tế để truy vết dịch bệnh Covid-19 nữa.

- Đang chuyện này ông lại nhảy sang chuyện khác, chả thấy có gì liên quan.

- Sao lại không liên quan? Tôi hỏi ông nhé, cái xe máy, cái ô-tô chúng ta lắp ráp chủ yếu là nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, chỉ sản xuất, gia công một số phụ tùng, chi tiết, công đoạn. Để quản lý và thu thuế các ông có phải truy vết nguồn gốc để xác định tỉ lệ nội địa hóa hay không? Câu trả lời của ông chắc chắn là có! Và, chính vì bị truy vết hoặc truy vết không chuẩn xác nên nhiều người thích dùng xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp trong nước. Còn nói về nền tảng mạng xã hội, Lotus không hấp dẫn bởi hầu hết người tham gia không muốn bị truy vết.

- Ông nói có lý, nhưng mà tôi thấy mạng xã hội của nước ngoài cũng bị truy vết đấy thôi, cho dù họ thay đổi liên tục. Facebook thì đổi tên công ty thành Meta rồi nhé. Không đổi tên như Facebook, nhưng mới đây TikTok đã phải thay đổi về tiêu chuẩn cộng đồng. Còn chim xanh Twitter vừa đổi hẳn sang ông chủ mới, chả biết có còn thu hút được đông đảo người tham gia như trước nữa hay không.

- Là ông thừa nhận có sự truy vết rồi nhé! Thực ra truy vết là tiến hành chức năng quản lý, nó ngược với tâm lý muốn tự do không bị truy vết của con người. Mà thôi, ông nhắc đến chim xanh làm tôi quan tâm tới số tiền hơn bốn chục tỷ USD mà ông chủ mới ở Mỹ bỏ ra để sở hữu nền tảng xã hội này.

- Số tiền đó có nhiều không?

- Nhiều đấy ông à, gấp rưỡi tổng số tiền người Việt Nam ta đã bỏ ra đầu tư vào các khu condotel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng.

- Ờ, nhưng mà đầu tư vào bất động sản lại chả tốt hơn là đầu tư cho “chém gió” trên mạng xã hội à?

- Ông nói không sai. Vấn đề là khoảng 30 tỷ USD chúng ta đầu tư vào condotel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng đang bị đóng băng, không mua bán, chuyển nhượng được vì chưa hoàn thiện khung pháp lý cho nó vận hành.

- Vậy phải làm thế nào?

- Câu hỏi của ông khó trả lời ngắn gọn, nhưng bỏ số tiền lớn như vậy vào thị trường “đón đầu” khung pháp lý mà chưa rõ nhu cầu này thì có rất nhiều rủi ro. Để quản lý rành mạch và công bằng vẫn phải truy vết ông à./.

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận