- Thật, tôi không thể hiểu nổi tại sao huyện Chư Sê ở Gia Lai lại để cho một kẻ sử dụng bằng cấp giả làm trưởng ban tổ chức huyện ủy.
- Ông hạ hỏa đi! Cháy thì đã cháy rồi, chuyện gì cũng có nguyên do của nó. Cựu bí thư huyện này từng ngã ngựa vài ngày trước đại hội, cũng vì sử dụng bằng cấp giả. Người đứng đầu như thế trách gì trưởng ban tổ chức, mà tôi được biết, ở nơi này nạn bằng cấp giả khá tràn lan.
- Thật giả lẫn lộn lâu rồi và khá phổ biến, bây giờ sờ vào đâu lộ ra ở đó, chẳng riêng gì Chư Sê. Nhưng mà, chẳng lẽ chúng ta đầu hàng?
- Có thể sẽ như ông nói, không đầu hàng cũng chưa loại trừ được. Mà cái giả nhiều quá, khi cái giả chiếm ưu thế, người ta sẽ gọi cái thật là giả.
- Thôi chết, thế thì phải làm sao ông ơi?
- Chả làm sao cả, tôi chưa thấy ai chết vì bằng cấp giả. Nhưng cháu tôi kia, hôm qua đến trường uống sữa về kêu đau bụng. Ai lo chuyện đó?
- À à, cái này gọi là gì nhỉ? Đúng rồi, là sữa học đường, một chương trình rất nhân văn. Vừa rồi Phó giám đốc Sở giáo dục đào tạo Hà Nội khẳng định các cháu uống sữa là tự nguyện, không ai có quyền ép buộc!
- Vâng ạ, tự nguyện một cách… bị bắt buộc, nói cách khác là tự nguyện giả.
- Ông vừa nói gì? Tự nguyện giả? Đúng rồi, ông thuyết phục được tôi rồi, chính cái tự nguyện giả nó giết người nhanh hơn cái bằng cấp giả, ông à.
- Lại quay về chuyện bằng cấp giả, đã bảo là hạ hỏa đi, cháy đã cháy rồi!
- Ông nhắc chuyện cháy tôi mới nhớ ra, khổ thân đứa bé trong viện Nhi được đưa xuống từ huyện miền núi Thanh Sơn ở Phú Thọ. Giờ cả bố cả mẹ cháy thành tro, chẳng biết đứa bé đó có sữa uống không?
- Sao không?! Sữa để em thơ, lụa tặng già. Người Việt Nam ta nhân văn lắm, đã có nhiều người phát động quyên góp từ thiện nuôi cháu bé đó rồi.
- Ờ, cháu bé cao số thế sau này có thể thành vĩ nhân, mong là từ thiện thật.
- Ông phải biết tin vào chỗ nào đó chứ chẳng lẽ không tin cái gì cả? Bằng cấp có thể giả, tên tuổi có thể giả, sự tự nguyện có thể giả, làm từ thiện có thể giả… nhưng tôi tin rằng, sữa không thể giả được!
- Không giả sao ông nói cháu ông uống về kêu đau bụng? Mà chẳng riêng cháu ông, tôi nói cho ông biết, cháu tôi cũng thế! Nhà trường còn thu vỏ hộp tại chỗ không cho mang về. Nếu là thật là tốt, vì sao phải che giấu?
- Chắc không che giấu, chỉ dạy các cháu gọn gàng ngăn nắp thôi. Sữa để em thơ, ai thất đức đi làm giả, cùng lắm là… cận date chút chút.
- Ừ, sữa để em thơ… Đó là truyền thống nhân văn của nhân dân ta, vậy nên cứ để nhân dân làm. Nhà trường với lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo giám sát thôi, chứ đi bán sữa làm gì cho mang tiếng ra, ông nhỉ!