- Hôm nay Tòa án Hà Nội xét xử cái thằng chém chết cả nhà em trai nó ở Đan Phượng. Không biết ông nghĩ sao chứ tôi cho rằng, riêng đối với thằng này chả cần xét xử làm gì, loại ấy không phải là người, chết ngàn lần không hết tội.
- Vẫn phải xét xử để cảnh báo, răn đe.
- Cảnh báo răn đe cái gì?
- Biết sai vẫn làm sẽ hành động cực kỳ nguy hiểm dẫn tới hậu quả nặng nề, tội không tha thứ được. Thằng này lạnh lùng lấy mạng người thân. Nếu hành động bột phát do chưa rõ phải trái thì lúc thấy máu sẽ phản ứng khác, nhưng nó bình tĩnh như không, bởi nó biết nó sai.
- Tại sao biết sai mà nó vẫn làm?
- Vì nó cho rằng nó bị thiệt thòi về lợi ích, dù là đòi hỏi quá mức.
- Ờ, ông nói phải, lợi ích cá nhân là nguyên nhân hủy hoại nhiều điều tốt đẹp…
- Ông muốn mở rộng câu chuyện thành cái gì nữa đây?
- Tôi đang có suy nghĩ rằng, cái thằng không phải là người ấy chỉ hủy hoại người nhà nó thôi, chứ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, có nhiều kẻ sẵn sàng hủy hoại cộng đồng, dẫm đạp lên cả xã hội.
- Chung chung quá, chứng cứ đâu?
- Ví dụ nhỏ thôi nhé, mới nhất là ở bệnh viện Xanh Pôn. Những người cắt đôi que thử có biết đó là việc làm sai trái không? Tất nhiên họ biết, nhưng tại sao họ vẫn làm? Bởi vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Ai bị hủy hoại? Là bệnh nhân phải làm xét nghiệm, đông đấy chứ không ít đâu…
- Đông hay vắng đang điều tra, nhưng cái bị hủy hoại lớn nhất là niềm tin. Mà ở Xanh Pôn còn nhỏ, chứ trong vụ 2 cựu bộ trưởng Thông tin Truyền thông sắp hầu tòa niềm tin mất đi mới lớn. Nói là họ biết sai vẫn làm thì chưa chuẩn, mà phải nói là họ biết sai cứ làm! Đúng là dẫm đạp lên cả xã hội ông à.
- Ông suy nghĩ như tôi rồi đấy, nhưng đã vậy cần nói thêm về vụ mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Họ biết họ sai không? Biết! Còn biết rõ hơn tôi với ông và người khác, nhưng tại sao họ cứ làm? Ngoài lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, còn có nguyên nhân nào khác nữa không ông ơi?
- Có đấy ông à. Quyền lực nếu không bị kiểm soát có thể gây hậu họa to lớn và lâu dài. Vậy nên chúng ta cần hoàn thiện luật pháp và thể chế để mọi người biết sai sẽ không làm, rồi tiến tới mức là không biết sai cũng không thể làm sai.
- Tôi đồng ý với ông, mà phải làm nghiêm từ trên xuống mới được. Trong vụ ở Đan Phượng nếu như tối hôm trước người em trực tiếp sang nói chuyện với người anh thì chắc đã không xảy ra chuyện. Sai lầm của nạn nhân là để cho con mình sang nói chuyện với bác nó. Sự đã rồi, nhưng nghĩ lại vẫn rất đau buồn./.
Mic