- Này, ông có thấy lạ không, đương kim giữ quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường một địa phương mà để người ta đến tận cơ quan đòi nợ, bản thân trốn chui lủi thì còn làm được việc gì nữa?
- Chả sao cả, anh em làm chứ có phải ông lãnh đạo ấy làm đâu mà lo!
- Tất nhiên là tập thể anh em làm, nhưng người đứng đầu cần có quyết định kịp thời, sáng suốt, nhất là lĩnh vực quản lý thị trường thời điểm này đang cần đẩy mạnh, sát sao hơn.
- Ôi giời, tôi biết ông này rồi, không chỉ vay nợ chưa trả, ông ấy còn ký thừa hàng chục lao động hợp đồng không có tiền trả lương. Lãnh đạo mà như thế chả quyết được cái gì, có khi chưa quyết đã liệt cũng nên…
- Sao không thay ngay người khác vào chỗ ấy nhỉ?
- Đã xem xét rồi, nhưng còn chờ Bộ hiệp thương với Tỉnh.
- Việc này làm chậm như thế cũng là…chưa quyết liệt.
- Ông nói phải, mà tôi thấy chả riêng việc này, nhiều việc khác cũng chẳng quyết liệt được, liên quan tới lợi ích của nhiều người, tới cấp càng cao càng khó…
- Ông nói cụ thể ra xem nào, đừng chung chung như thế chứ!
- Ờ, ví dụ thôi nhé, tôi hỏi ông cái nhà 8B Lê Trực từ khi phát hiện sai phạm và cấp có thẩm quyền yêu cầu phải xử lý đến bây giờ là bao nhiêu năm rồi? Đã có bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu công văn, chỉ thị yêu cầu phải làm nghiêm để giữ kỷ cương phép nước, đảm bảo trật tự xây dựng đô thị? Ông không nhớ được hết, đúng không? Đương nhiên rồi, bởi tôi cho rằng ngay cả thành phố Hà Nội và quận Ba Đình cũng không nhớ hết. Chả thế mà vừa rồi quận Ba Đình phải thừa nhận là… chưa quyết liệt trong việc xử lý sai phạm ở tòa nhà này…
- À, vụ này tôi biết, bởi tôi có người nhà mua căn hộ ở đó. Đúng là không dễ xử lý bởi liên quan tới lợi ích của nhiều người, có không ít người… nói thế nào nhỉ… à, không ít người mà dân gian gọi họ là những người “có máu mặt”.
- Ông khoan nào, để nghe tôi nói hết đã! Trong vụ này không chỉ là quận Ba Đình chưa quyết liệt, mà dường như còn có lãnh đạo những đơn vị, cấp có thẩm quyền trong việc này chưa quyết đã liệt. Tôi không quan tâm tới “máu mặt” hay “tiền mặt” như ông nói, bởi đây rõ ràng là sự chầy bửa, chống đối, là ví dụ điển hình của tình trạng trên bảo dưới không nghe.
- Tôi đồng ý với ông, thực ra vụ này đâu có gì khó, cứ phải cắt gọt ngay và luôn, đúng như giấy phép! Rồi sau đó chủ đầu tư đền tiền cho người mua nhà. Thành phố, ngành chức năng đền tiền cho chủ đầu tư. Cán bộ ai sai người đấy phải đền bù vật chất, kể cả xử hình sự. Đơn giản vậy sao không làm ông nhỉ?
- Có làm rồi nhưng mà… chưa quyết liệt./.
Mic