Đồng bào chú ý...

Mong là dịch không quay lại, bởi còn nhiều thứ giặc khác cần cả cộng đồng, xã hội chung sức đồng lòng chống đỡ và diệt trừ.

- Ông không đeo khẩu trang cũng được, nhưng xin mời ông ra ngoài hiên, nhà tôi chật chội nên tôi đã kê ghế ở đó cho đủ khoảng cách.

- Thôi nào, chống dịch như chống giặc, nhưng máy bay địch đã đi xa rồi, hai chục ngày nay không có ca nào lây nhiễm từ cộng đồng. Mà tôi nhớ hồi Hà Nội bị ném bom nghe báo động ông khóc ầm lên, ông già phải nhét viên đường vào mồm…

- Ờ ờ, nhưng ông có nhớ bà bác tôi xuống hầm vẫn bị sức ép của máy bay rơi làm méo miệng thành tật suốt đời không?

- Lâu rồi không nhớ, chỉ biết là ông ở gần phố Lê Trực giáp Nguyễn Thái Học, đúng không? Ở đó còn bức phù điêu ghi lại sự kiện lịch sử trên tường nhà máy thiết bị bưu điện cũ…

- Vâng, lâu rồi, nhà máy ấy bây giờ là cái gì tôi cũng không rõ… Nhưng mà thôi, ông cứ ra ngoài hiên ngồi rồi tôi nói chuyện về chống dịch. Ông nói hai chục ngày không lây nhiễm trong cộng đồng nhưng chủ quan là chết ông à. Ngày xưa máy bay địch đi xa rồi vẫn phải chờ nghe câu báo động “Đồng bào chú ý…”

- Ông khỏi phải nói, tôi nghe đài đọc báo biết rồi. Này nhé, chúng ta vẫn phải quản lý nhập cảnh ngăn chặn dịch từ bên ngoài. Rồi nữa, phải giám sát chặt chẽ, phát hiện, truy vết, khoanh vùng dập dịch từ bên trong. Chưa hết, phải tính toán rủi ro khi nới lỏng giãn cách, nhất là ở những nơi đông người như vận tải hành khách, thi đấu thể thao, cơ sở sản xuất, thương mại,… đặc biệt chú ý không kém ở trường học, công sở… Mong là dịch không quay lại, bởi còn nhiều thứ giặc khác cần cả cộng đồng, xã hội chung sức đồng lòng chống đỡ và diệt trừ…

- Bây giờ thông tin tốt, nhưng thường xuyên nhắc nhau không thừa ông à.

- Phải rồi, nhưng ai nhắc? Câu hỏi đó làm ông phải nghĩ chưa trả lời được ngay, đúng không? Vậy để tôi nói cho ông nghe. Trong việc này ở nhà vợ chồng nhắc nhau, cha mẹ nhắc con cháu, anh chị nhắc em. Ra cuộc sống người lớn nhắc người trẻ. Đến cơ quan thủ trưởng nhắc cấp dưới, mọi người nhắc nhau…

- Dạ vâng, mong là được như ông nói, chứ tôi thấy vừa mới nói chuyện nới lỏng giãn cách đường sá đã chen chúc không kém gì khi chưa có dịch. Ở nơi đông người lại tái diễn cảnh xô đẩy tranh giành lên trước…

- Ừ, bởi ý thức cá nhân và ý thức xã hội khó mà cùng vận hành theo mong muốn, vì thế mới phải nhắc nhau thường xuyên. Thôi được rồi, tôi mang khẩu trang đây, nhưng tôi sẽ ra ngoài hiên ngồi chờ ông pha trà. À, mà ông nhớ cho tôi viên đường. Một viên thôi nhé, đến tuổi không dùng nhiều đồ ngọt rồi…

- Vâng ạ, tưởng ông yêu cầu cái gì chứ viên đường bây không khó kiếm như hồi ông già nhét vào mồm tôi mỗi khi nghe cảnh báo “Đồng bào chú ý…”./.

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận