Không đổ lỗi được

Nếu để xảy ra thất thoát, tham nhũng, hối lộ trong phạm vi quản lý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay địa phương đó phải bị xử lý trách nhiệm.

- Nói gì thì nói tôi vẫn thấy huyện Tĩnh Gia ở Thanh Hóa đã đúng khi nhận sai và hủy bỏ một đoạn trong công văn làm cho cấp dưới hiểu lầm về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo trong đợt dịch covid. Nhưng mà, sửa sai thế chưa đủ. Theo tôi, trong việc này lãnh đạo huyện nên công khai xin lỗi dân.

- Ai làm sai người đó xin lỗi, lãnh đạo xã và trưởng thôn xin lỗi dân rồi ông à.

- Xã, thôn không làm sai nếu như cái công văn của huyện không gây hiểu lầm.

- Tôi nói cho ông nghe, để có một cái công văn ấy là tập hợp công sức, trí tuệ của nhiều người. Cán bộ các phòng ban chuyên môn có liên quan cùng tham gia dự thảo mấy lần, rồi đưa người đánh máy, người rà soát, đưa ký nháy trước khi trình ký chính thức ban hành. Có cái công văn trình ký rồi còn bị trả về sửa chữa mấy lần, và mỗi lần như thế lại vận hành theo qui trình ấy. Vậy nên xác định ai có lỗi trong đoạn công văn gây hiểu lầm đó là việc không dễ như ông nghĩ đâu. Chưa xác định được người có lỗi thì ai xin lỗi?

- Thôi, ông đừng vòng vo tam quốc nữa, ai ký ban hành người đó xin lỗi.

- Vâng, ông nói phải, nhưng trên thực tế tôi thấy nhiều vụ việc đùn đẩy đi lại rồi đổ lỗi cho người đánh máy.

- Đúng là có chuyện ấy, nhưng không phải việc gì cũng đổ cho người đánh máy được. Tôi hỏi ông về cái vụ việc đang nóng đây, đó là nghi vấn cán bộ hải quan và thuế ở Bắc Ninh nhận hối lộ, có đổ lỗi cho người đánh máy được không? Ai ký quyết định kiểm trả sau thông quan, ai ký quyết định kiểm tra thuế thì phải tạm đình chỉ công tác của người ấy cùng đoàn cán bộ thực thi để điều tra làm rõ, cho dù mới có thông tin một phía từ Nhật Bản.

- Tôi đồng ý với ông, nhưng còn nhiều vụ việc làm gì có công văn hay quyết định để ký, nhất là liên quan đến tiền bạc khó xác minh lắm. Theo tôi, nếu để xảy ra thất thoát, tham nhũng, hối lộ trong phạm vi quản lý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay địa phương đó phải bị xử lý trách nhiệm. Mà cái này hình như đã qui định trong luật rồi đấy, nhưng thực hành chưa nghiêm.

- Ông nên nhìn rộng ra một chút, để thấy rằng, người đứng đầu nhiều khi “trăm công nghìn việc” không quán xuyến hết được, có những việc, có những lĩnh vực phân công cho cấp phó phụ trách, ai làm người đó chịu trách nhiệm.

- Công to việc lớn gì không biết, một tháng dành ra một ngày để tiếp dân mà có người không làm được. Cái này cũng có qui định rõ ràng và bắt buộc rồi, không thể đổ lỗi cho cấp phó hay người giúp việc được. Chỉ có điều, nhiều người đứng đầu chưa nghiêm túc thực thi./.

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận