- Tôi nhớ mấy chục năm trước ông hăng hái đi tuyên truyền chống hàng giả, tôi từng nói với ông là không có hàng giả, chỉ có hàng hóa chất lượng ra sao mà thôi. Bia Vạn Lực nhập khẩu giá cả hợp lý, tươi mát chả kém gì bia Tiệp bia Đức. Dân mình gom vỏ chai đóng bia cỏ vào bán rẻ hơn uống vẫn ổn. Xe Wave Tàu dăm bảy triệu chạy ngon lành, so với Wave Nhật hai chục triệu chả khác gì, chỉ là kém bền và hay hỏng hóc… Gọn lại bia nào cũng là bia, xe máy nào cũng là xe máy, tiền này của đấy, không thể nói là hàng giả được.
- Tự dưng nhằm tháng Ngâu ông nhắc lại chuyện cũ. Nhưng bây giờ ông có xây cầu Ô Thước cho bọn trẻ kết duyên thì chúng cũng chẳng mê bia bọt hay xe máy như hồi trước. Chúng nó đang phải lo lắng về những thứ khác rất nguy hại.
- Thứ gì nguy hại?
- Bằng giả, người giả, nhân cách giả… Nguy hại, nguy hại lắm ông à!
- Làm gì có cái nào giả, chỉ là chất lượng ra sao thôi.
- Giả nhiều chứ, đáng lo là nó ngày càng phổ biến. Này nhé, bằng lái xe giả nên tai nạn giao thông ngày càng nhiều. Bằng đại học, cử nhân giả nên an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, cơ quan công sở đặt ra chỉ để hành dân. Bằng tiến sĩ giả còn nguy hại hơn vì những người ấy tham mưu và ra quyết sách toàn những việc to tát thuộc về quốc kế dân sinh. Mới đây báo chí phanh phui thực trạng mua bán bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế để nâng thứ hạng trường đại học, để đủ điều kiện làm Phó giáo sư, Giáo sư… Những người đào tạo, cấp bằng cử nhân, tiến sĩ mà làm như vậy thì biết nói thế nào nhỉ, à, đó là nhân cách giả.
- Tôi đồng ý với ông là nguy hại, nhưng không phải là giả. Bằng lái xe, bằng cử nhân, tiến sĩ, hay chức danh Giáo sư của nước mình có chất lượng thế thôi. Cái gì nhiều quá khó đảm bảo chất lượng. Kể cả những danh hiệu cao quí như Anh hùng chẳng hạn, phong nhiều quá rồi bắt người ta đi tù thì có rẻ rúng không?
- Vâng, nhưng cái gì có chuẩn mực của cái đó, không đạt chuẩn thì là giả.
- Này nhé, ông nghĩ là giả nên ông cho con du học, sắp tới đây con ông cầm cái bằng về ông có dám nói đó là bằng “xịn” không? Thôi được, cứ cho là bằng “xịn”, nhưng rồi khi đi làm cháu nó không phát huy được kiến thức đã học nên phải đào tạo lại, lúc đó ông nói sao?
- Công việc nào có chuẩn của công việc đó, chưa đạt thì phải học hành, phấn đấu đạt chuẩn. Tôi phải khẳng định tôi là tôi, ông phải khẳng định ông là ông…
- Đó, vậy là ông đã đồng ý với tôi rằng không có cái gì là giả, chỉ là chúng ta phải khẳng định chúng ta là ai, chúng ta như thế nào mà thôi./.
Mic