Trải nghiệm nhiều vai diễn
Nhớ về kỷ niệm đầu tiên khi mới vào nghề, Thiện Tùng luôn mang theo sự trân trọng đối với đồng nghiệp đàn anh. Năm 2006, Thiện Tùng tốt nghiệp thủ khoa với tấm bằng giỏi lớp diễn viên khóa 1 trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Từ chối nhiều lời mời gọi hấp dẫn, anh chọn về thực tập tại Nhà hát Kịch Hà Nội, bởi đây là cái nôi trưởng thành của nhiều nghệ sĩ tài năng như: NSND Hoàng Dũng, NSND Tiến Đạt, NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hoàn, NSƯT Công Lý... Hồi đó, dù mới bước chân về nhà hát nhưng Thiện Tùng đã được ưu ái cho góp mặt trong các vở diễn có tiếng của Nhà hát như: Hà Mi của tôi, Những gương mặt thấp thoáng, Đảo Thần vệ nữ, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, những người con Hà Nội... Cho đến tận bây giờ anh vẫn luôn biết ơn các bậc đàn anh trong Nhà hát đã tạo điều kiện để anh có những cảm xúc và kinh nghiệm cho nghề diễn của mình.
Ngoài việc tham gia các vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội, Thiện Tùng còn gây ấn tượng tốt với khán giả khi tham gia vai trung úy Hà trong phim điện ảnh Trung úy (năm 2007) của đạo diễn Hà Sơn. Sau đó, anh tham gia nhiều bộ phim truyền hình như: Chớp mắt cùng số phận (đạo diễn Lê Ngọc Linh), Rượu cần đêm mưa (đạo diễn Nguyễn Đức Việt, đoạt giải Cánh diều bạc năm 2008), Cao xanh không lối (đao diễn Nguyễn Thế Vĩnh), Đội đặc nhiệm H88, Lều Chõng (đạo diễn Thanh Vân), Nhật ký viết đến ngày 8/3 (đạo diễn Phạm Gia Phương), Qua ngày giông bão (đạo diễn Đỗ Chí Hướng), Cả một đời ân oán (đạo diễn Trọng Trinh)... Trải nghiệm nhiều vai diễn giúp anh có thêm nhiều cảm xúc và thăng hoa hơn với nghề!
Thành công với phim ảnh, truyền hình nhưng với Thiện Tùng, sân khấu vẫn là thánh đường! Được đắm mình trong những vai diễn trên sân khấu hằng đêm, niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ mới thật sự trọn vẹn! Vì vậy, anh luôn tâm niệm, Nhà hát Kịch Hà Nội là mái nhà thứ hai của mình, nơi anh sẽ gắn bó và thỏa mãn đam mê nghệ thuật.
3 tháng giành 2 huy chương vàng
Thiện Tùng là người cầu toàn. Mỗi khi nhận được vai diễn, dù của sân khấu hay điện ảnh, Thiện Tùng luôn trau chuốt cho vai diễn để đạt đuợc hiệu quả cao nhất. Anh đã được đền đáp xứng đáng cho công sức bỏ ra khi đến nay anh đã nhận được 2 HCV và 2 HCB đối với sân khấu, giải Cánh diều bạc đối với điện ảnh.
Tháng 7/2020, Thiện Tùng vào vai chiến sĩ công anh tên Thành trong vở kịch “Kẻ trộm” (được Nhà hát Kịch Hà Nội mang dự thi liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần 4 năm 2020). Đây là một nhân vật nặng ký, có nhiều phân đoạn nội tâm khó nhưng Thiện Tùng đã khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ công an dũng cảm, kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Vai diễn xuất sắc đã mang về cho anh tấm HCV đầu tiên trong lĩnh vực sân khấu.
Đến tháng 10/2020, Thiện Tùng giành thêm một HCV nữa với vai Đoàn Gia trong vở kịch “Trương Chi - Mị Nương”. Đây là vở diễn mà Nhà hát Kịch Hà Nội đưa đi tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 năm 2020. Vở kịch dựa trên tích truyện dân gian Việt Nam nổi tiếng “Trương Chi - Mị Nương” để truyền tải thông điệp về tình yêu và hạnh phúc. Tác phẩm do nghệ sĩ Phùng Tiến Minh đạo diễn, đồng thời là tác giả kịch bản và kiêm luôn thiết kế âm nhạc. Điều đặc biệt với Thiện Tùng trong vở kịch này chính là việc lần đầu tiên anh được thử sức với vai phản diện đầu trên sân khấu. Đây không chỉ là áp lực của riêng nam diễn viên mà còn là thử thách đầy căng thẳng của cả ê-kíp, đặc biệt là đạo diễn. Bởi xưa nay Thiện Tùng chủ yếu ghi dấu ấn với các nhân vật chính diện. Thế nhưng bằng sự nỗ lực, anh đã chứng minh sự lựa chọn của đạo diễn là hoàn toàn chính xác. Anh đã có một sự lột xác ngoạn mục để “ẵm” HCV tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô, góp phần tạo nên thành công cho vở diễn Trương Chi - Mị Nương của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Với nghệ sĩ bị coi là “đóng khung” trong vai diễn hiền lành, tử tế, việc thử sức ở những vai phản diện cũng là một sự thay đổi để tìm đa dạng cho diễn xuất. Thiện Tùng không muốn đi vào lối mòn, không muốn rơi vào tình trạng đơn điệu khi dồn hết sức sáng tạo cho một dạng vai đã cũ./.
Vũ Nga