Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc: Tìm con đường riêng để chinh phục khán giả

Tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành cello với rất nhiều giải thưởng danh giá ở Mỹ, nhưng nghệ sĩ Phan Ðỗ Phúc lại chọn về nước.

 

Cơ duyên đặc biệt từ cây đàn cello

Bén duyên với âm nhạc từ năm 4 tuổi, Phan Đỗ Phúc đã được bố mẹ cho học đàn organ điện tử. Khi thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), vì năm ấy có quá nhiều học sinh thi vào khoa organ, nên các thầy cô giới thiệu Phúc sang học đàn cello. Làm quen với cây đàn mới khó, nên lúc đầu cậu chẳng mấy hứng thú.

Thế nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, sự động viên và quyết liệt từ người cha, Phúc dần yêu quý, say mê cây đàn cello. Bao nhiêu năm trôi qua, anh vẫn nhớ hình ảnh người cha không quản nắng mưa, ròng rã vác đàn, đạp xe đưa con tới trường và ngồi luôn trong lớp nghe thầy cô dạy rồi về nhà kèm cặp con học tiếp.

Với Phan Đỗ Phúc, cây đàn cello như một cái duyên đặc biệt, càng học càng say mê tiếng đàn trung hồ cầm lúc nào không biết. “Sau 2-3 năm đi học, khi tay cầm đàn đã chuẩn chỉnh hơn, tôi cảm nhận rõ hơn cái hay của cây đàn, cảm nhận được sự ấm áp rất riêng của tiếng đàn cello mà nhạc cụ khác không có được. Từ lúc đó, tôi biết mình sẽ gắn bó lâu dài với cây đàn này. Cho đến bây giờ, mỗi sớm mai thức dậy, tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời vì được sống cùng đam mê của mình” - Phan Đỗ Phúc chia sẻ.

Hơn 20 năm gắn bó với cây đàn cello, Phan Đỗ Phúc ngày càng thể hiện rõ tài năng và sở hữu một bảng thành tích đáng nể cả về học tập lẫn lao động sáng tạo nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài. Với chàng trai trẻ say mê âm nhạc cổ điển như Phúc, hơn 10 năm du học ở Ý và Mỹ - những nước có nền âm nhạc phát triển là một điều may mắn khi anh được học tập và đắm chìm trong môi trường văn hóa đó. Một cách tự nhiên, chính những điều này không chỉ mang đến tri thức mà còn tạo nên tư duy âm nhạc của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ cello Phan Ðỗ Phúc sinh năm 1990. Anh từng giành nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng tại Italia năm 2008; Giải nhất cuộc thi Concerto Competition tại Đại học Luther, Mỹ năm 2012; Giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng tại New York, Mỹ năm 2017...

Phan Ðỗ Phúc thực hiện nhiều dự án âm nhạc đáng chú ý như phối hợp, thử nghiệm với Tổ chức Nghiên cứu, Thực hành và Giáo dục Nghệ thuật Wonder Art, mang âm nhạc cổ điển đến với các em nhỏ; Hòa nhạc “Từ Trịnh: Những lời gió mới”; chuỗi hòa nhạc “Schubert in a mug”…

Phan Đỗ Phúc vẫn tiếp tục mang âm nhạc cổ điển đến với khán giả theo cách riêng của mình, để chinh phục khán giả, để những người chưa biết sẽ biết và yêu cello, yêu âm nhạc cổ điển hơn.

Đi thật xa để trở về

Gặp Phan Đỗ Phúc, ít ai nghĩ chàng nghệ sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X cao ráo với khuôn mặt điển trai, dễ gần, giọng nói trầm ấm lại từng là giảng viên một lúc hai trường nghệ thuật lớn ở Mỹ (Đại học Stony Brook và Trường năng khiếu âm nhạc Herald, New York). Phan Ðỗ Phúc từng biểu diễn solo và hòa tấu tại nhiều phòng hòa nhạc tên tuổi hàng đầu nước Mỹ, làm bè trưởng cho nhiều dàn nhạc uy tín của Mỹ và thế giới, đoạt những giải thưởng nghệ thuật danh giá.

Với tài năng và nền tảng âm nhạc vững chắc, Phan Đỗ Phúc có rất nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình ở nước ngoài, nhưng anh lại chọn con đường trở về nước sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành cello tại Mỹ năm 2020. Theo chị Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine, đây là một quyết định dũng cảm. “Phúc từ bỏ môi trường nghệ thuật hoàn hảo như bên Mỹ để về nước xây dựng sự nghiệp. Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam, khán giả trẻ yêu thích âm nhạc, vì thế, các nghệ sĩ trẻ có chỗ để thể hiện tài năng và đóng góp của mình cho âm nhạc, tuy nhiên họ phải nỗ lực sáng tạo hơn”.

Phan Đỗ Phúc chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định trở về của mình. Bởi trước đó mỗi lần về nước biểu diễn trong dịp hè, Phan Đỗ Phúc đã nhìn thấy sức trẻ, tiềm năng, niềm yêu thích âm nhạc của khán giả. Đó là động lực để Phúc trở về cống hiến. “Tôi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, như ở New York hay một số nước châu Âu, khán phòng rất lớn, chủ yếu là người già. Nhưng khi tôi biểu diễn ở Hà Nội, có đến 80-90% là người trẻ. Tôi cảm thấy năng lượng rất khác và tiềm năng phát triển rất lớn” - Phan Đỗ Phúc chia sẻ.

“Phúc là một trong những nghệ sĩ trẻ tài năng. Tôi ấn tượng về cách truyền cảm hứng âm nhạc cho mọi người của Phúc. Phúc có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc cổ điển, không chỉ truyền cảm hứng cho khán giả mà còn cho cả những nghệ sĩ biểu diễn cùng. Cách chơi nhạc của Phúc chạm đến trái tim của mọi người” - nghệ sĩ kèn ô-boa Hoàng Mạnh Lâm.

 

Phan Đỗ Phúc chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định trở về của mình.Muốn Xóa bỏ thành kiến hàn lâm của âm nhạc cổ điển

Âm nhạc cổ điển vốn kén người nghe và tiếng đàn cello thì lại càng ít người biết đến. Bởi vậy để gắn bó với con đường nghệ thuật này, người nghệ sĩ không chỉ tài năng mà còn cần có nghị lực. Cả hai điều đó đều hội tụ trong con người nghệ sĩ trẻ Phan Đỗ Phúc. Với mong muốn xóa bỏ thành kiến hàn lâm của nhạc cổ điển, từ khi về nước, anh tích cực tham gia biểu diễn ở các chương trình hòa nhạc và tổ chức những show diễn đặc biệt như chuỗi concert “Schubert in a Mug” để giới thiệu tiếng đàn cello với khán giả.

Trong không gian của một quán cà phê giản dị, ấm cúng ở Hà Nội, khán giả phần đông là những bạn trẻ chăm chú lắng nghe chia sẻ của nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc về những bản nhạc cổ điển. Khán giả vừa thưởng thức một tách cà phê ấm nóng, vừa lắng nghe những giai điệu của tài năng âm nhạc cổ điển, lại được trò chuyện cùng nghệ sĩ, để hiểu hơn về bản nhạc. Cứ như thế, âm nhạc cổ điển đi vào trái tim khán giả một cách tự nhiên nhất, như cảm nhận của anh Lê Anh Tú, một khán giả ở Hà Nội. “Tôi biết đến chương trình từ bài chia sẻ trên facebook, cách nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc giới thiệu âm nhạc cổ điển đến giới trẻ rất sáng tạo và gần gũi. Thay vì không gian hàn lâm của nhà hát, anh mang nhạc cổ điển đến một không gian nhỏ nhắn, ấm áp. Vì thế, khán giả cảm nhận được sự gần gũi với người chơi nhạc chứ không xa cách như ở nhà hát”.

Nói về ý tưởng này, Phan Đỗ Phúc cho biết, anh đã ấp ủ ước mơ từ khi còn sống và làm việc ở New York. “Mỗi khi biểu diễn ở những nhà hát lộng lẫy, tôi lại mong có một không gian giản dị, ấm cúng hơn để những nghệ sĩ cổ điển, cùng khán giả - những người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp có thể gặp gỡ, cùng thưởng thức âm nhạc và giao lưu như những người bạn”- Phan Đỗ Phúc bày tỏ.

Thế rồi ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi chuỗi concert “Schubert in a Mug” thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Cứ thứ 6 hằng tuần, buổi hòa nhạc đều kín chỗ, đó là niềm hạnh phúc của nghệ sĩ như Phan Đỗ Phúc. “Tôi ấn tượng với tài năng âm nhạc, tiếng đàn vô cùng truyền cảm, sự linh hoạt khi kết hợp với các nghệ sĩ biểu diễn cùng của anh. Khi tham gia các dự án của anh, tôi hiểu rằng anh không chỉ muốn biểu diễn mà còn muốn đem âm nhạc của mình, đam mê của mình đến đông đảo khán giả - nghệ sĩ piano Hoàng Hồ Thu chia sẻ. Còn với nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh, thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Phát triển âm nhạc Maestoso, cách làm của Phan Đỗ Phúc đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

“Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng chỉ muốn biểu diễn ở những nhà hát lớn, nơi sang trọng. Nhưng anh Phúc đa năng và dễ thích nghi, có thể chơi nhạc ở cả những địa điểm nhỏ chỉ dành cho vài khán giả. Ở đâu anh cũng biểu diễn với sự chuyên nghiệp và với tinh thần truyền tải âm nhạc hết mình để khán giả có thể tận hưởng và hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này” - nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh cảm nhận.

Phan Đỗ Phúc quan niệm, mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều có một sứ mệnh nhất định. Điều quan trọng là mình dám theo đuổi con đường đó một cách bền bỉ, lâu dài. Bởi vậy mà Phan Đỗ Phúc vẫn tiếp tục mang âm nhạc cổ điển đến với khán giả theo cách riêng của mình, để chinh phục khán giả, để những người chưa biết sẽ biết và yêu cello, yêu âm nhạc cổ điển hơn./.

Phan Đỗ Phúc rất chú ý đến việc đối thoại và tạo ra đồng cảm giữa công chúng và âm nhạc. Phúc nỗ lực trong việc đưa âm nhạc đến mọi người. Anh được đào tạo bài bản về âm nhạc, nhưng thường lựa chọn âm nhạc gần gũi, mới mẻ và cho khán giả cảm thấy vẻ đẹp của âm nhạc” - Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận