Đọc sách là một nhu cầu bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn

Sách được xem là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người.

 

Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của xã hội loài người. Hưởng ứng tuần lễ đọc sách, Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ về nội dung này.

Giới trẻ rất quan tâm đến sách

Là người đam mê đọc sách, nghiên cứu ngôn ngữ nhiều năm, anh nhận xét thế nào về tình hình đọc sách hiện nay trong toàn dân?

Người Việt vốn trọng văn, trọng lễ, trọng chữ nghĩa nên bất cứ thời kỳ nào cũng có những lớp người quan tâm đến văn chương, sách vở, yêu thích đọc sách. Dù cuộc sống hiện đại có vô vàn những kênh giải trí khác nhau nhưng những cuốn sách vẫn không ngừng được ra đời. Nhiều công ty sách và truyền thông vẫn hoạt động và phát triển mạnh mẽ, ra được nhiều ấn phẩm tốt và tạo được thương hiệu trên thị trường sách như Nhã Nam, Đông A, Đinh Tỵ, Liên Việt, Sống, Tao Đàn… Tôi chỉ xin nói sâu về đọc sách văn học. Ngoài những người đọc sách để phục vụ học tập, công việc như học sinh, sinh viên văn khoa, những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu… thì vẫn còn rất nhiều người dân có nhu cầu đọc sách.

Giới trẻ quan tâm đến việc đọc sách, đặc biệt là sách văn chương như thế nào, thưa anh?

Các tác phẩm văn học kinh điển hoặc những tác phẩm hiện đại được dịch sang tiếng Việt được các bạn trẻ tìm đọc một cách nồng nhiệt. Nhiều tác giả văn học Việt Nam đương đại cũng được đông đảo bạn đọc yêu mến như: Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Bích Thúy, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Thiên Ngân, Nồng Nàn Phố, Nguyễn Phong Việt.

Giới trẻ không những đọc sách mà còn có thú chơi sách, sưu tầm sách. Có thể thấy những năm gần đây, ngoài loại ấn bản phổ thông dành cho đông đảo bạn đọc thì ở mỗi đầu sách còn có những ấn bản giới hạn với giá tiền không hề nhỏ, thế nhưng nó vẫn được nhiều người tranh nhau tìm mua.

 Sách trên thị trường rất đa dạng và phong phú về thể loại, theo quan sát của anh thì thể loại nào được đón nhận nhiều nhất?

 Đứng từ góc độ sách văn học thì thể loại được tìm đọc nhiều hơn cả  vẫn là văn xuôi, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn; đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn. Có thể chia ra hai khu vực chính là các tác phẩm kinh điển và các tác phẩm hiện đại, được sáng tác trong vòng 20 năm trở lại đây.

Việc dịch thuật những năm vừa qua vẫn được phát triển tốt, đã chuyển ngữ được nhiều tác phẩm có giá trị của văn học hiện đại các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ… Cũng có những tác phẩm chỉ mang tính chất giải trí là chính nhưng cũng được nhiều bạn trẻ tìm đọc như các truyện ngôn tình, kiếm hiệp đương đại.

Một vài dòng sách khác cũng được quan tâm như sách về kỹ năng sống, giáo dục thanh thiếu niên, sách tìm hiểu về tâm linh, tôn giáo cũng được nhiều độc giả quan tâm.

Anh nhận xét như thế nào về mảng sách dành cho thanh thiếu niên hiện nay?

 Nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước hắt ngược về nửa đầu thế kỷ XX vẫn không ngừng được tái bản và được thanh thiếu niên tiếp tục say mê như các tác phẩm của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Sách, Duy Khán, Nguyễn Quang Thân, Phùng Quán… Các tác phẩm kinh điển của thế giới dành cho thanh thiếu niên cũng được tái bản hoặc tiếp tục được dịch sang tiếng Việt. Các bộ truyện cổ tích kinh điển của Việt Nam và thế giới như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, Nghìn lẻ một đêm, Truyện cổ Grim, Truyện cổ Andecxen… cũng có thể coi là những tác phẩm kinh điển dành cho thanh thiếu niên vẫn không ngừng được tái bản.

“Tình yêu đọc sách được nhóm lên từ trong truyền thống của mỗi gia đình, các thế hệ đi trước như ông bà, cha mẹ đã truyền được tình yêu sách vở, chữ nghĩa cho con cháu” - TS Đỗ Anh Vũ.

Việc làm sách ngày càng chuyên nghiệp

 Chất lượng sách hiện nay như thế nào thưa anh?

Tôi nhận thấy mức độ chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong việc làm sách ngày càng được nâng cao, từ bộ phận làm công tác biên tập đến dàn trang, trình bày mỹ thuật, lo in ấn, họa sĩ vẽ bìa, khâu phát hành… Tất cả những thứ đó góp phần đem đến những ấn phẩm tốt nhất cho người đọc. Việc in những ấn bản giới hạn/ ấn bản đặc biệt của mỗi đầu sách cũng là một dấu hiệu cho thấy chất lượng sách được đầu tư rất nhiều so với trước đây.

Giới trẻ hiện nay quan tâm nhiều đến những thứ hấp dẫn khác ngoài sách, như phim ảnh, mạng xã hội... Anh có giải pháp nào để kích thích sự đọc đối với giới trẻ?

Niềm vui khi cầm cuốn sách giấy trên tay vẫn là một niềm vui thật đặc biệt, mang lại những cảm xúc mà những thứ khác không có được. Đó có thể là một cuốn sách vừa in còn thơm mùi giấy mới. Đó có thể là một cuốn sách cũ nay đã rất khó tìm, phải nâng niu lật giở từng trang. Rồi những cuốn sách có thủ bút của tác giả… Việc đọc sách có thể được diễn ra ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào, không bị phụ thuộc vào các thiết bị máy móc công nghệ. Dĩ nhiên giới trẻ hiện nay cũng có thể đọc sách qua mạng, qua sách điện tử nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến niềm hạnh phúc của việc đọc sách giấy.

Kích thích sự đọc hay truyền tình yêu đọc sách cho người trẻ là một quá trình bền bỉ. Điều này phải được bắt nguồn từ gia đình, từ những năm tháng cắp sách đến trường. Giới trẻ phải cảm nhận được những điều thú vị và ý nghĩa mà việc đọc sách mang lại cho họ, họ sẽ có một tình yêu và cảm xúc tự nhiên với việc đọc sách. Cùng là sự thưởng thức một tác phẩm, nhưng thưởng thức qua việc tác phẩm đó đã được chuyển thể thành điện ảnh so với việc thưởng thức nguyên bản khi đọc sách vẫn mang những cảm xúc khác biệt. Tôi lúc nào cũng khuyến khích, động viên những người trẻ đọc sách, bắt đầu từ các con của tôi…

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Vân Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận