Tác giả Đức Anh: 'Tôi tìm hiểu kỹ xem người Việt muốn gì?'

Cây bút 9x Đức Anh, tác giả tiểu thuyết 'Tường lửa', 'Thiên thần mù sương', 'Đảo bạo bệnh'... đã chia sẻ từ góc nhìn của người trong cuộc.

 

Ngay từ khi ra đời, khoảng những năm 1920 - 1930, trinh thám được dán mác là văn học tiêu thụ, tiểu thuyết ba xu. Đức Anh có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Việc coi trinh thám là á văn học, tức là văn học của nhà ga hoặc ba xu khá phổ biến. Điều này không hề lạ chút nào bởi vì một tiểu thuyết chỉ có giết người, gay cấn, hồi hộp và giật gân thì rất khó tránh khỏi cảm giác rẻ tiền. Tuy nhiên, khoảng 30 năm trở lại đây, thế giới đã công nhận trinh thám là một thể loại văn học, thậm chí còn là một thể loại văn học quan trọng. Chính vì thế, người ta dùng từ văn học trinh thám thay vì truyện trinh thám như ngày trước. Cũng không lạ khi một số nhà văn lớn trên thế giới như Gabriel García Márquez rất thích truyện trinh thám hay là Umberto Eco, nhà văn người Ý, đã chọn viết trinh thám khi chuyển từ nghiên cứu bác học sang sáng tác văn chương. Với những đánh giá cao và tôn trọng như vậy, tôi nghĩ rằng thể loại này ngày nay đã được nhìn nhận khác đi so với ngày trước.

Mỗi một thể loại lại có một cái khó riêng. Đức Anh cho rằng, thể loại trinh thám có những đặc trưng gì để người viết có thể bám vào?

Trước đây, trinh thám cổ điển được định nghĩa bằng mô hình thủ phạm - nạn nhân - bằng chứng và động cơ gây án, có nghĩa là trong những yếu tố này sẽ có từ một đến hai yếu tố được giấu đi. Thường trong trinh thám cổ điển, yếu tố được giấu đi đó là hung thủ. Còn một số truyện đột phá hơn thì họ cho biết hung thủ trước rồi sẽ giấu những yếu tố khác đi, ví dụ như bằng chứng, phương thức gây án. Quan niệm này của trinh thám cổ điển thi thoảng vẫn được áp dụng với trinh thám hiện đại. Tuy nhiên, bây giờ, trinh thám có rất nhiều thể loại con. Ví dụ như giật gân, hồi hộp, thể loại bí ẩn, bí ẩn lịch sử rồi là thể loại nghi ngờ. Có nhiều bộ phim rất giật gân mà không hề có thám tử, thậm chí vụ án mạng đấy không được giải quyết một cách thông minh và lô-gic như kiểu trinh thám cổ điển, nhưng đó vẫn là tác phẩm thuộc thể loại trinh thám. Tôi cho rằng trinh thám, về bản chất, là một bí ẩn được giấu từ đầu đến cuối và độc giả phải lần theo để khám phá câu chuyện phía sau. Cái khó của người viết là làm sao để che giấu được câu chuyện đó, làm sao phải cài cắm được các tình tiết vào giữa truyện để việc khám phá bí ẩn trở nên ấn tượng. Cuối cùng là làm sao để gửi gắm được thông điệp, triết lý sống, vũ trụ quan, nhân sinh quan của tác giả vào trong đó. Điều này rất khó với các tác giả trẻ.

Cây bút 9x Đức Anh là tác giả tiểu thuyết “Tường lửa”, “Thiên thần mù sương”, “Đảo bạo bệnh”...

­­­Gần đây, trinh thám Việt gây chú ý với một số sự kiện ra mắt sách của tác giả Yên Ba, Đức Anh, tái bản một số tác phẩm của nhà văn Phạm Cao Củng… Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để trinh thám Việt thu hút lượng độc giả đông đảo như  trinh thám nước ngoài. Theo anh, nguyên nhân do đâu?

Về mặt khách quan, các tác giả trinh thám nước ngoài được dịch ở Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, thuộc hàng đỉnh cao của nền trinh thám. Các tác phẩm của họ được in đều đặn từ những năm 90 của thế kỷ trước cho tới tận bây giờ. Họ đã tạo ra một thói quen, một không khí đọc nói chung. Bởi vậy, không chỉ trinh thám Việt mà kể cả tiểu thuyết Việt Nam cũng bị lép vế hơn so với văn học nước ngoài. Về mặt chủ quan, tôi thấy các nhà sách vẫn chưa thực sự cởi mở với tác giả trong nước. Tôi biết một tác giả viết trinh thám. Tác phẩm đó, theo tôi đánh giá là được điểm 7 trên thang 10 nhưng lại không ai biết đến vì nó không phải “tiêu điểm” truyền thông của đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, còn có một số lý do khác liên quan đến đời thường, chẳng hạn bây giờ một số người viết như chúng tôi mới bắt đầu sáng tác thì khó mà có được một nền tảng tài chính tốt để tiếp tục theo đuổi đam mê và thực hiện các dự án tiếp theo.

 Cũng có ý kiến cho rằng do đặc thù xã hội nước ta khá yên bình, ít xảy ra những bối cảnh thực sự để có thể viết thành những cảnh ấn tượng, ly kỳ như văn học trinh thám phương Tây. Anh chuẩn bị như thế nào để có thể phát triển hướng đi thuần Việt cho những câu chuyện trinh thám “made in Việt Nam”?

Việc làm sao để có được bản sắc Việt ấy là nằm trong chủ đề nội địa hóa và lãnh thổ hóa câu chuyện trinh thám. Những tác giả nước ngoài đã làm được điều này. Tôi cũng đã tham khảo những nền trinh thám nhỏ, ví dụ như trinh thám Bắc Âu. Họ đã làm rất tốt khi sử dụng bối cảnh tuyết trắng hay trinh thám Úc với bối cảnh khô cháy, khô hạn. Trinh thám Nhật thì có tác giả Keigo đã sử dụng rất tốt văn hóa Nhật trong các tác phẩm của mình. Bởi vậy, khi bắt tay vào viết, những người viết trinh thám như ­­­­tôi đã phải tham khảo, tìm hiểu rất kỹ xem người Việt thực sự muốn gì. Nhiều người Việt Nam thích những câu chuyện tình cảm học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hoặc tác giả Nguyễn Đông Thức. Người viết hoàn toàn có thể bắt đầu bằng những câu chuyện đấy, sau đó dẫn ra những tình tiết của truyện trinh thám, liên quan tới án mạng, có thể vì yêu quá hoặc vì lý do nào đó. Tôi đã bắt tay vào những công việc này nhưng để có kinh nghiệm nhất định thì phải sáng tác, phải đưa ra thị trường đã, rồi học hỏi các ý kiến từ độc giả. Không có gì bằng sự quan sát và học hỏi thường xuyên.

Khi viết trinh thám, Đức Anh có chịu ảnh hưởng của ai không?

Tôi lựa chọn thể loại tâm lý hồi hộp. Việt Nam rất khó có những cảnh đuổi nhau, bắn nhau ầm ầm như trinh thám Mĩ. Khi đã chọn được thể loại, tôi sẽ tìm các tác giả gây cảm hứng cho mình. Tôi chịu ảnh hưởng của Melinda Leigh hay Dennis Lehane. Chúng ta đã biết tới Dennis Lehane qua một số tác phẩm như “Đảo kinh hoàng”, đã được chuyển thể thành phim. Ngoài ra, có một số tác phẩm khác dạy cho tôi cách đan xen thời gian trong các cảnh, ví dụ Jeffery Deaver, còn một số tác giả khác lại dạy cho tôi cách xây dựng nhân vật thám tử như là Robert Dugoni.

Là một thể loại làm mưa làm gió ở nhiều quốc gia, không ngạc nhiên khi trinh thám có một lượng độc giả đông đảo. Nhưng với trinh thám “made in Việt Nam”, dường như độc giả vẫn có sự ngần ngại nhất định.

 

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Hà thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận