Nhà văn Uông Triều: Viết về đề tài lịch sử mà không hư cấu thì thà đọc chính sử

Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử nên ở mức độ nào? Có tỷ lệ vàng giữa hiện thực và hư cấu trong tác phẩm lịch sử hay không?

 

Đó là những câu hỏi có thể “châm ngòi” cho nhiều cuộc tranh luận. Nhà văn Uông Triều, tác giả ghi dấu ấn ở đề tài lịch sử như “Đôi mắt Đông Hoàng”, “Sương mù tháng Giêng”… chia sẻ từ góc nhìn của người trong cuộc.

Không chỉ các nhà văn mà các nhà sử học cũng có nhiều băn khoăn về hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử. Vậy nhà văn có suy nghĩ như thế nào về hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử?

Không riêng gì tiểu thuyết lịch sử mà bất cứ thể loại nào cũng cần hư cấu. Tất nhiên, hư cấu lịch sử thì khó hơn và cũng rất nhạy cảm. Vì lịch sử là một cái gì đó đã đi vào tiềm thức, đã qua sách giáo khoa, đã được sàng lọc rồi, bây giờ các nhà văn viết khác đi thì chuyện tranh cãi là không tránh khỏi. Tuy nhiên, viết về đề tài lịch sử mà không hư cấu thì thà rằng đọc một quyển “Đại Việt sử ký toàn thư” còn hơn. Làm gì phải mất công đọc một cuốn tiểu thuyết mà ta đã biết rõ các sự kiện trong đó rồi? Hư cấu là điều không thể thiếu được trong một cuốn tiểu thuyết lịch sử và chính nó tạo ra sự hấp dẫn, sự khác biệt giữa văn học và lịch sử. Hư cấu để tạo ra sự hấp dẫn, mềm mại. Hơn nữa, bản thân nhà văn cũng có quyền nhìn nhận vấn đề khác đi. Và những điều đó chắc chắn cần sự hư cấu, tưởng tượng bởi vì chúng ta không có máy quay phim, chụp ảnh thời đó và cũng không ghi âm được các nhân vật. Như vậy, đó là khoảng đất trống cho nhà văn sáng tác. Chính sự mạo hiểm, nguy hiểm ở trong từ hư cấu đó tạo nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử.

Vậy theo ông, hư cấu đến đâu trong tiểu thuyết lịch sử thì chấp nhận được? Liệu có tỷ lệ vàng giữa sự thật lịch sử và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử hay không?

Nếu có tỷ lệ thì lại quá máy móc. Ví dụ 30 sự thật, 70 hư cấu hoặc 70 sự thật, 30 hư cấu thì đều khó đáp ứng , vì tỷ lệ này tùy theo quan điểm của nhà văn và tùy vào mỗi tác phẩm. Trước đây, khi mới viết, tôi cũng khá run tay, nghĩa là vẫn phải dựa vào chính sử khá nhiều. Sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều độc giả,  tôi thấy có một nhận xét rất đúng. Đó là các nhà văn Việt Nam vẫn quá lệ thuộc vào lịch sử, nghĩa là có hư cấu, nhưng hư cấu rất ít. Bây giờ, tự tôi cũng có sự thay đổi về quan điểm. Nhà văn có thể mở rộng vô biên bởi vì văn học là một kênh độc lập hoàn toàn. Nó không phụ thuộc vào lịch sử. Không nhất thiết lịch sử viết như thế nào thì nhà văn phải bám sát vào đấy. Tất nhiên, ta vẫn dựa vào sự kiện, những điểm mấu chốt hoặc lấy cảm hứng từ lịch sử nhưng không nhất thiết lịch sử phải chiếm bao nhiêu phần trong tác phẩm. Nếu đặt ra một tỷ lệ vàng thì điều đó vừa khô cứng vừa giảm sự sáng tạo của nhà văn. Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một lịch sử mới cũng không vấn đề gì cả. Đấy chính là thách thức cũng như sự hấp dẫn của văn học để mà đối trọng với lịch sử.

Nhà văn Uông Triều, tác giả ghi dấu ấn ở đề tài lịch sử như “Đôi mắt Đông Hoàng”, “Sương mù tháng Giêng”…

Xuất phát từ quan điểm về hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, sẽ có nhiều cách viết khác nhau. Người thì muốn dùng văn để viết sử, người thì coi lịch sử chỉ là cái móc treo, người dùng tiểu thuyết để diễn giải lịch sử. Theo anh, những cách viết này có ưu, nhược điểm gì?

Trước đây, do rất nhiều quan niệm, do nhận thức hoặc do rất nhiều các yếu tố khác, người ta rất quan trọng yếu tố chính sử, nghĩa là rất coi trọng việc dùng sử để giáo dục và nhà văn cũng thường dựa vào chất liệu đó để mô tả lại hoặc đưa ra các bài học. Giờ đây, chúng ta đang có xu hướng mới khi viết tác phẩm về đề tài lịch sử. Ta có thể bứt phá mọi chỗ, lật lại mọi vấn đề và nhìn nhận lịch sử với những góc cạnh mới, những quan điểm mới, đồng thời không nhất thiết phải giáo huấn gì cả. Tại sao các tiểu thuyết lịch sử như “Giàn thiêu” của nhà văn Võ Thị Hảo chẳng hạn, lại hấp dẫn độc giả? Bởi vì tác phẩm gần gũi, đời thường, kéo nhân vật lịch sử gần với bạn đọc. Đấy là điều các nhà văn hướng tới. Dĩ nhiên, xu hướng dùng tác phẩm viết về đề tài lịch sử để giáo dục vẫn là một dòng quan trọng. Nhưng dần dần nó sẽ thiếu sự hấp dẫn vì các bộ chính sử đã làm việc đó rồi!

Khi viết tiểu thuyết lịch sử, anh muốn viết về những điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, viết về đề tài lịch sử đã có cái khung nhất định rồi, ví như về chính sử, về các sự kiện, thắng thua trong các trận… Như vậy, rõ ràng các tác phẩm viết về đề tài này rất dễ rơi vào trạng thái bị gò bó về không gian, cũng như ngôn ngữ của thời điểm diễn ra câu chuyện?

Đấy chính là cái khó nhất của người viết tiểu thuyết lịch sử. Chúng ta vẫn muốn tạo ra tác phẩm mới, thổi những luồng gió mới, những quan điểm mới vào đó nhưng lại không thoát ra khỏi khung lịch sử, không thoát khỏi các sự kiện, các nhân vật, các tình huống và đặc biệt là ngôn ngữ. Không thể để nhân vật lịch sử ở thế kỷ 16 nói ngôn ngữ bây giờ được. Đây là một thách thức với tài năng của nhà văn. Làm sao để xử lý vấn đề đó mà vẫn đảm bảo sự hài hòa và những yếu tố khách quan của lịch sử. Chúng ta vẫn có sự tôn trọng lịch sử nhưng vẫn phải đổi mới và tạo ra những khác biệt. Tác phẩm văn học phải khác, khác với những người viết trước và khác với chính mình.

Tiểu thuyết hay truyện ngắn lịch sử của anh đều có nhiều cách tân về lối kể chuyện, cách xây dựng nhân vật và bố cục. Anh có bao giờ sợ những cách tân đó khiến độc giả quay lưng với mình?

Tôi nghĩ điều này phải chấp nhận thôi. Khi ta làm một cái mới thì người ta chưa quen. Ví dụ, khi một món mãi quen rồi, bây giờ dọn ra một món mới thì mọi người có thể nói: “A, vị nó thế này, vị nó thế kia!”. Người ta cần có thời gian để cảm nhận. Và nếu như sự đổi mới đó phù hợp với khẩu vị của người đó thì họ sẽ thích. Còn nếu không thì họ có thể không thích. Đó cũng là một điều hết sức bình thường. Nhà văn cũng có thể điều chỉnh hoặc không điều chỉnh cũng không sao. Đây là một sự cởi mở cũng như là một sự thách thức để tự làm mới bản thân. Tôi không quá lo lắng về việc đó.

Xin cảm ơn nhà văn Uông Triều!

Nguyễn Hà thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận