Đạo diễn Leo Đinh: 'Phim của tôi lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam'

Sự phát triển của công nghệ làm phim, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại nhất, trí tuệ nhân tạo,... khiến VN có thể sản xuất một bộ phim hoạt hình chuẩn Hollywood.

 

Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Leo Đinh, người đã có 12 năm đeo đuổi việc làm phim hoạt hình, để nghe anh chia sẻ về ước mơ đem những giá trị Việt ra quốc tế thông qua loại hình phim này.

Cuối tháng 6, “U linh tích ký” - một phim hoạt hình đến từ Sun Wolf Studio - đã ra mắt khán giả trong nước sau khi chinh chiến tại nhiều liên hoan phim danh tiếng ở Mỹ và Đức. Lấy con nghê làm nhân vật chính, có tiệm bún cá thơm lừng và kiến trúc lấy cảm hứng từ phố cổ Hội An, đây là bước đầu để đạo diễn trẻ Leo Đinh hiện thực hóa ước mơ đem phim hoạt hình Việt Nam chinh phục thế giới.

Trên cả facebook cá nhân lẫn khi trả lời phỏng vấn một số báo, bạn luôn nói về ước mơ được đem những bộ phim hoạt hình mang các giá trị Việt Nam ra thế giới. Vừa qua bạn đã thành công bước đầu với tập 1 phim hoạt hình “U linh tích ký”. Vậy một bộ phim hoạt hình phải có tiêu chí như thế nào mới có thể được trình chiếu ở những LHP danh tiếng trên thế giới?

Đầu tiên bạn phải có một câu chuyện hay cái đã! Bạn phải tính đến yếu tố chủ đề của câu chuyện, nếu câu chuyện của bạn đưa đến câu trả lời cho một câu hỏi lớn mà thế giới đang tìm kiếm thì đó là điểm cộng lớn. Tiếp theo là phần hình ảnh. Bạn có một câu chuyện hay, bạn biết phải kể nó ra sao rồi thì vấn đề tiếp theo là bạn trình bày nó bằng những hình ảnh như thế nào? Ở phần hình ảnh này, các nhà làm phim có khá nhiều lựa chọn: Bạn muốn một bối cảnh thực tế hay có hơi hướng fantasy, hay bối cảnh gắn với nền văn hóa của một quốc gia nào đó... Đó là yếu tố thứ hai. Yếu tố thứ ba - mang tính đặc trưng của hoạt hình - đó là các chuyển động và diễn xuất của nhân vật. Các yếu tố này có đủ chân thực để truyền tải cảm xúc đến khán giả hay không? Rồi cả các yếu tố kèm theo như âm thanh, âm nhạc, hiệu ứng...

Bên cạnh đó, khán giả quốc tế cũng rất quan tâm đến yếu tố văn hóa bản địa của các nền văn hóa khác nhau mà họ chưa có cơ hội khám phá. Nếu bộ phim của bạn có thể đưa được các yếu tố văn hóa đó vào thì sẽ rất tuyệt vời, tạo nên sức hút cho bộ phim. Yếu tố văn hóa bản địa đó có thể đến từ một quốc gia, một cộng đồng dân cư có thật; cũng có thể là những câu chuyện do bạn phóng tác ra. Khi đó thì câu chuyện sẽ hướng sang yếu tố kỳ ảo.

Một xu thế của phim hoạt hình thế giới hiện nay là bắt đầu từ câu chuyện địa phương để dẫn dắt đến một câu chuyện lớn mang tính toàn cầu. Ví dụ “Turning Red” thì bắt đầu từ các yếu tố văn hóa Trung Hoa, “Coco” thì là văn hóa bản địa của Mexico, “Moana” thì khai thác văn hóa các bộ tộc ở vùng Caribe... từ các câu chuyện địa phương để nói về những vấn đề mang tính phổ quát như bảo tồn văn hóa, tình cảm gia đình hay bảo vệ khí hậu, môi trường.... Bạn có nghĩ xu thế này là một cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam, nhằm thông qua các giá trị văn hóa bản địa của chúng ta để kể một câu chuyện toàn cầu?

Cần phải hiểu thế này: Yếu tố văn hóa bản địa là một trong các chất liệu để đưa vào phim, chứ văn hóa tự thân nó không phải là chủ đề lớn. Những bộ phim hoạt hình thành công như “Encanto” hay “Turning Red” thường phản ánh một câu chuyện lớn, một chủ đề lớn mang tầm nhân loại: Tình yêu thương, sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Sau khi đã xác định xong tính chủ đề rồi, thì tính văn hóa mới trở thành chất liệu để họ phát triển câu chuyện của mình. Đó cũng có thể xem là một cách để tác giả những bộ phim đó thu hút sự chú ý của công chúng, những người muốn tìm hiểu sự đặc sắc của các nền văn hóa đó, đến với bộ phim của mình.  

Đạo diễn Leo Đinh, người đã có 12 năm đeo đuổi việc làm phim hoạt hình.Trong các dự án đã từng làm của bạn thì việc sáng tạo ra một thế giới mới mất rất nhiều thời gian và tâm huyết. Bạn cũng vừa nói rằng, sáng tạo các thế giới trong hoạt hình cho phép phóng tác. Bạn có bao giờ nghĩ đến việc khai thác các nhân vật có sẵn trong dân gian Việt Nam như: Thánh Gióng, Chử Đồng Tử,... đưa vào phim của mình?

Đây là một câu hỏi rất thú vị! Tôi từng có một dự án hoạt hình Tản Viên Phong Châu lấy cảm hứng từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Mục tiêu của Sun Wolf Studio không chỉ là phục vụ thị trường điện ảnh ở Việt Nam mà còn muốn đem phim ra thế giới. Những nhân vật như Sơn Tinh, Thủy Tinh hay Thánh Gióng có thể nhiều người Việt Nam biết tới, nhưng với khán giả thế giới thì lại xa lạ. Việc giới thiệu những nhân vật này ra toàn cầu là một thách thức không dễ. Mình phải kể làm sao cho khán giả thế giới thấy là, những nhân vật anh hùng thần thoại của người Việt Nam có đủ yếu tố thu hút họ.

Dĩ nhiên, ngay từ khi thành lập công ty tôi đã lựa chọn sứ mệnh là: Sáng tạo nên những thước phim hoạt hình lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam. Nên những nhân vật thần thoại Việt Nam, mang yếu tố đặc trưng Việt Nam chắc chắn là một nguồn tư liệu quý để tôi sáng tạo.

Phim hoạt hình Việt Nam hiện tại vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Cá nhân bạn mong muốn sự hỗ trợ như thế nào cho các dự án tương lai của bạn, cũng như cho các nhà làm phim trẻ khác của Việt Nam?

Với các dự án hoạt hình của tôi thì tôi luôn tích cực tìm những người đồng hành, đó có thể là nhà đầu tư, đối tác, hoặc những người có chuyên môn về văn hóa - lịch sử... Tôi luôn cần sự đồng hành hỗ trợ của tất cả mọi người. Quan trọng nhất để làm phim vẫn là nguồn vốn, tôi vẫn tìm kiếm điều đó từ các nhà đầu tư tin vào những điều tôi đang làm./.

Xin cảm ơn Leo Đinh về cuộc trò chuyện!

Anh Tuấn thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận