Trường ca kịch viện: Cách gen Z hướng đến văn hóa truyền thống

Trong thời đại số, nhiều ý kiến lo ngại rằng văn hóa dân gian sẽ gặp khó khi tiếp cận lớp người trẻ.

 

Tuy nhiên, đây đó vẫn có những người trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống và bảo tồn nó bằng cách làm rất trẻ. Trường ca kịch viện là một dự án như thế.

Trường ca kịch viện là một tổ chức văn hóa nghệ thuật được thành lập vào đầu năm 2020, gồm một nhóm bạn trẻ nhiệt huyết, ở độ tuổi rất trẻ từ 17 - 20, từ mọi miền đất nước với mối quan tâm lớn dành cho nghệ thuật và văn hoá dân gian. Dự án này ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn văn hóa thông qua những nền tảng trực tuyến như facebook, youtube,... nhằm mang đến những thông tin cơ bản về các loại hình sân khấu quen thuộc như: rối nước, chèo, tuồng, cải lương... và cả những diễn xướng có tính địa phương như bả trạo, ổi lỗi, trò xuân phả; qua đó đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, nhất là các bạn trẻ. Từ đó, góp phần lan tỏa sự quan tâm, niềm yêu mến của cộng đồng đối với cái đẹp, cái hay của nghệ thuật dân tộc.

Lý giải về tên gọi của dự án, Bùi Yến Linh - Trưởng ban Tổ chức dự án cho biết, ca kịch là kịch và ca hát, gắn với chữ trường thể hiện sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn dân tộc. Viện ở đây có thể hiểu là một học viện hay viện bảo tàng nhằm sưu tầm, trưng bày và chuyển tải những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật dân tộc. “Tham vọng của chúng em là mở một bảo tàng số về nghệ thuật truyền thống. Thời gian qua dự án được nhiều bạn trẻ tìm hiểu và ứng dụng vào công việc cũng như học tập”, Yến Linh nói.

Sau thời gian dài hoạt động online vì ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5 năm nay, Trường ca kịch viện tái khởi động, liên tiếp tổ chức các sự kiện offline như chuỗi sự kiện “Bắc nhịp tang bồng” với sự tham gia của 25 nghệ sĩ và gần 100 tác phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật biểu diễn truyền thống, kết hợp song song với các sự kiện khác. Bạn Võ Minh Anh, thành viên dự án chia sẻ: “Chúng em không phải là người bảo tồn và cũng không thể là người phát triển mà chỉ là cầu nối giữa giới trẻ và nghệ thuật truyền thống, để giúp giới trẻ hiểu hơn về nó”.

Mỗi dự án, Trường ca kịch viện thường xuyên duy trì số lượng tham gia là 20 thành viên, đều là những bạn trẻ tuổi từ 17 - 22, là học sinh các trường trung học và sinh viên đại học trên địa bàn Hà Nội; yêu thích văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Khi có những thành viên ra nước ngoài du học, hoặc vì lý do riêng phải rút khỏi dự án, Trường ca kịch viện lại tuyển thành viên mới.

Thông qua những nền tảng trực tuyến như facebook và website, Trường ca kịch viện tổng hợp và phổ biến kiến thức về các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống tới công chúng mà trước hết là giới trẻ. Vào trang web truongcakichvien.com, hẳn nhiều người bất ngờ với khối lượng kiến thức khá phong phú cùng cách trình bày đồ họa hấp dẫn. Điều này đã tạo hiệu ứng tốt với giới trẻ, đưa họ đến gần hơn với các loại hình sân khấu truyền thống. Bạn Nguyễn Hằng Nga, một thành viên của dự án cho biết: “Với những bạn trẻ, những loại hình âm nhạc truyền thống rất khó tiếp cận, nhưng với triển lãm vừa qua thì em thấy nghệ thuật truyền thống đã gần gũi với các bạn trẻ hơn. Em rất thích những dự án như thế này và sẽ luôn ủng hộ chúng”.

Các bạn trẻ dành nhiều tâm huyết cho Trường ca kịch viện.

Đạt một vài thành công gây tiếng vang ban đầu, nhưng Bùi Yến Linh cho biết, nhóm còn  có tham vọng, đưa Trường ca kịch viện trở thành một wiki về nghệ thuật truyền thống với kho lưu trữ kiến thức lớn, có độ tin cậy, chính xác về những loại hình cơ bản của nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam.

Gen Z được đánh giá là một thế hệ luôn có cách làm sáng tạo, đột phá trong mọi hoạt động của mình, không chỉ thu hút các bạn đồng trang lứa mà còn gây bất ngờ với những người lớn không cùng thế hệ với họ. Không chỉ hướng đến các sản phẩm, trào lưu văn hóa của thế hệ mình như nhạc rap, EDM - các trào lưu văn hóa phá cách mang đậm ảnh hưởng của phương Tây, Gen Z Việt Nam còn thể hiện sự tìm tòi, trân trọng vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, tìm nhiều cách bảo tồn, phát huy, làm mới, đi tìm chỗ đứng cho những giá trị đó trong đời sống đương đại theo cách của mình./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận