Lênh đênh bốn biển – Hành trình 'đi tìm hình của nước'

Thời gian gần đây, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ liên tục cho ra mắt những cuốn tiểu thuyết có giá trị, trong đó đáng chú ý là bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm'.

 

Tập 1 bộ tiểu thuyết mang tên “Nợ nước non” ra mắt năm 2022 và mới đây vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông cho ra mắt tập 2 của bộ tiểu thuyết với tên gọi “Lênh đênh bốn biển”.

  Con đường của một vĩ nhân

  Tập trung khắc họa hình tượng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc trên hành trình “đi tìm hình của nước”, tiểu thuyết “Lênh đênh bốn biển” ôm trọn khoảng thời gian 30 năm, với nhiều bối cảnh khác nhau. So với tập 1 “Nợ nước non” thì sự kiện cũng như tính tư tưởng ở tập 2 rộng lớn hơn rất nhiều. Đây cũng là một thách thức đối với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. “Viết về các nhân vật lịch sử là rất khó. Một là không được bịa ra các chi tiết, sự kiện đã đóng đinh vào lịch sử. Nhưng nếu chỉ như thế thì anh chỉ là một người chép sử thôi, trong khi với nhà văn thì khoảng không gian để hư cấu lại rất rộng mở. Đó là một thử thách. Với tập 1 và tập 2 của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, tôi cũng có những thành công nhất định. Đương nhiên tác phẩm không bao giờ có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Nhưng khi viết mà mình cũng xúc động và có những trang viết mình cũng phải rơi nước mắt thì chắc công chúng có thể có những đồng cảm như tôi” - nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

 Chúng ta không thiếu những tác phẩm lịch sử về 30 năm lênh đênh bốn biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ khung lịch sử này vừa là lợi thế vừa là trở ngại của người viết. Bởi nếu lịch sử đã ghi chép chi tiết, tỉ mỉ thì đâu là khoảng mờ để nhà văn hư cấu và sáng tạo? Chưa kể, cuộc đời Hồ Chủ tịch đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác. PGS.TS, nhà phê bình văn học Trần Khánh Thành cho rằng ở “Nợ nước non” hay “Lênh đênh bốn biển”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đều đã kết hợp được ba yếu tố: tự sự, trữ tình và chính luận. “Những chi tiết chẳng hạn như tình yêu với Annette hoặc tình cảm của Phillipe, một tình cảm đồng chí, bằng hữu rất cảm động. Đọc những chi tiết ấy mới thấy ở đâu cũng có người đồng chí, ở đâu nhân dân cũng là bạn, ở đâu chủ nghĩa đế quốc cũng là thù. Trong nhiều chi tiết ở cả hai tập tiểu thuyết đều nổi rõ ý này: Hồ Chí Minh là con người của cuộc đời thường nhưng đó là con người sinh ra bởi non sông đất nước như trong Điếu văn của Trung ương Đảng: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Lý giải về hình tượng Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng đã làm được điều đó để thấy được không phải tự nhiên mà chúng ta có một vĩ nhân như thế. Cả một lịch sử hào hùng của dân tộc, cả một bề dày của phong trào yêu nước, rồi của các chí sĩ cách mạng, cả một bề dày văn hóa mới hun đúc được một Hồ Chí Minh. Tiểu thuyết làm sáng tỏ những chân lý về đời sống, đưa lại những thông điệp nhân sinh chứ không đơn thuần là các câu chuyện” - PGS.TS Trần Khánh Thành nhận xét.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt tập 2 của bộ tiểu thuyết với tên gọi “Lênh đênh bốn biển”.

  Câu chuyện của một con người

  Với quan điểm cho rằng “người sáng tác không phải là người chép sử”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng các nhân vật hư cấu, nhưng lại giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về cuộc đời thật, về những điều có thể đã xảy ra. Bên cạnh nhân vật chính là Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc, tác giả cũng không quên chăm chút cho những nhân vật khác, tạo ra một hệ thống nhân vật sinh động, đáng nhớ. Nếu như trong tập 1 “Nợ nước non”, hình ảnh bà Hoàng Thị Loan khiến bao người phải rưng rưng cảm động thì ở “Lênh đênh bốn biển”, nhân vật Annette hứa hẹn tạo ra nhiều dấu ấn. “Nhân vật Phillipe và em gái của Phillipe là Annette là những nhân vật hư cấu, rất gần gũi với Bác. Chúng ta biết Bác hoạt động cách mạng ở địa điểm này, ở sự kiện kia nhưng mà suy nghĩ, tình cảm của Bác như thế nào, con người của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như thế nào thì văn học mới có thể nói được. Thực ra, Annette có tình cảm rất đặc biệt với Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc là điều dễ hiểu thôi. Giống như tôi, giống như bạn, khi chúng ta là những con người có những phẩm chất tốt thì chắc là được mọi người quý mến, thậm chí yêu mến, kể cả những người khác giới. Vấn đề là Hồ Chí Minh đã chọn hy sinh tình cảm cá nhân. Người nói:  “Tôi xin lỗi các bạn. Dường như cuộc đời của tôi đã không còn thuộc về tôi nữa mà tôi đã hiến dâng nó cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của tôi và giải phóng những dân tộc bị áp bức”. Đấy là một câu nói rất chân thành, khiến chúng ta càng yêu mến và kính phục Bác hơn” - nhà văn Nguyễn Thế Kỷ lý giải.

 Nhắc đến tiểu thuyết “Lênh đênh bốn biển”, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận định: “Dù có trong tay một vốn tư liệu rất lớn, rất quý, nhưng Nguyễn Thế Kỷ không sa vào kể lể câu chuyện lịch sử, bị “mặc định” kể câu chuyện một vĩ nhân mà trước hết là câu chuyện của một con người bằng xương bằng thịt, với những yêu thương, giận dữ, khổ đau, hạnh phúc”. Còn với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tập 1 và tập 2 của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” đã “dựng lên con đường ra đi và con đường trở về của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Điều này khiến ông liên tưởng tới bài thơ của nhà thơ nổi tiếng Hàn Quốc Ko Un: “Con đường ra đi là con đường trở thành nhà sư/ Con đường trở về mới là con đường để trở thành Đức Phật/ Nhưng người chỉ có thể trở về khi đích thực ra đi”.

Hấp dẫn nhưng không thiếu những thách thức, trở ngại, đề tài lịch sử đã luôn thu hút người sáng tác, đòi hỏi ở họ một sự tìm tòi, thử nghiệm không ngừng. Ở lãnh địa đầy những chiếc “bẫy lịch sử”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tiếp tục có một cuộc vượt thoát. Ông vẫn tự tin sáng tạo “mà không hề sợ phạm lỗi”. Điều này cũng giúp độc giả thêm hy vọng vào bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” sẽ được hoàn thiện vào năm sau./.

Tiểu thuyết “Lênh đênh bốn biển” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa hình tượng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Anh, Mỹ, các nước châu Phi, tới Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... cho tới ngày Người trở về Tổ quốc, ngày 28/1/1941. Ở Pháp, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp năm 1918; chủ động, chủ trì cùng các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xây; viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”; bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (ngày 29/12/1920) và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận