Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: 'Nhân vật càng quen thuộc càng đem lại nhiều thử thách'

'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người Việt. Sức hấp dẫn của tác phẩm này khơi gợi nhiều cách tiếp cận.

 

Art book “Truyện Kiều tự kể” (NXB Kim Đồng) của nhà văn Cao Nguyệt Nguyên là một trong những sáng tạo đó. Nhà văn đã chia sẻ với phóng viên VOV về dự án này.

Dự án “Truyện Kiều tự kể” được chị ấp ủ trong bao lâu?

Từ khi tôi bắt đầu viết tác phẩm cho tới khi hoàn thiện “Truyện Kiều tự kể” là khoảng hơn 1 năm. Quãng thời gian ấy, tôi có nhiều kỷ niệm. Tôi đã dành tâm huyết, sự đắm đuối của mình cho từng nhân vật. Mỗi nhân vật có những suy tư và lý lẽ để biện bạch cho riêng mình, đòi hỏi tôi phải mất nhiều công sức để tìm hiểu.

Thế giới nhân vật của “Truyện Kiều” tương đối đa dạng. Còn “Truyện Kiều tự kể” là sự nhập vai của chị với 12 nhân vật. Ngoài nhân vật chính Thúy Kiều, các nhân vật khác đã qua “vòng thử vai” như thế nào?

Hóa thân vào nhân vật chưa bao giờ là dễ cả, hơn nữa là hóa thân vào 12 nhân vật. Nhân vật Thúy Kiều rất quen thuộc rồi. Tuy nhiên, nhân vật càng quen thuộc càng đem lại nhiều thử thách, đòi hỏi sự đầu tư và thấu hiểu nhiều hơn. Khi hóa thân vào nhân vật nào tôi chìm đắm trong thế giới của nhân vật ấy. Vì thế trước khi chuyển sang một nhân vật khác, tôi cần một thời gian để xả vai. Khi viết, tôi luôn phải đặt ra câu hỏi là khi họ bước ra khỏi trang sách của Nguyễn Du, họ không còn là 12 nhân vật đã định hình những khuôn vàng thước ngọc, những tính cách từ trước tới giờ mà độc giả đã biết thì họ sẽ sống như thế nào, có suy nghĩ, trăn trở, với đầy đủ tính cách ưu nhược điểm ra làm sao. Từ đó, tôi để họ tự nói lên tiếng nói của bản thân mình.

Trong quá trình nhập vai này, chị thấy nhân vật nào là khó khăn nhất, hoặc người ta hay nói vui là dễ bị “tẩu hỏa nhập ma” nhất?

 12 nhân vật này không có nhân vật nào dễ nhập vai cả. Ai cũng chứa đựng những tâm tư, tình cảm, những điều rất đời thường và không thiếu những mâu thuẫn. Mỗi nhân vật giống như một mê cung khi tôi bước vào. Và ở đó có những con người, những tâm tư tình cảm khó lòng nắm bắt. Chẳng hạn nhân vật Kim Trọng. Độc giả đã quen với một chàng thư sinh phong nhã, đa tình. Nhưng khi chàng Kim bước vào đời sống thì nhân vật ấy cũng có những toan tính để rồi chúng ta phải vỡ òa ra rằng, đằng sau tất cả những hành động của họ dường như  có mục đích cả. Tôi dành nhiều tâm tư cho nhân vật nữ như: Thúy Vân, Thúy Kiều, Tú Bà, Hoạn Thư. Vì là phụ nữ nên tôi luôn đứng về phái yếu, mình hiểu hơn ai hết những tâm tư, tình cảm của họ. Tôi cho rằng trong tận cùng sự bất hạnh, họ cũng muốn vươn lên để tìm hạnh phúc hay thậm chí có nhân vật đi tới tận cùng của tội ác, như Tú Bà chẳng hạn, thì chúng ta vẫn thấy một chút gì đấy đáng thương, một chút gì như là dòng đời đưa đẩy, biến họ thành con người như thế.

Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên hoàn thiện “Truyện Kiều tự kể” trong khoảng hơn 1 năm.

 “Truyện Kiều tự kể” là một cuốn artbook. Bên cạnh phần lời còn là phần tranh minh họa rất đẹp. Vậy khi viết phần lời cho tác phẩm, chị có bị áp lực, chẳng hạn như phải viết thế nào để phù hợp với phần tranh minh họa hay không?

 “Truyện Kiều tự kể” là một cuốn artbook nên phần lời và phần minh họa giống như một tổng thể tôn lên vẻ đẹp tinh tế của nhau. Đặc biệt, việc có tranh minh họa sẽ tạo sự mới mẻ, thu hút độc giả. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm việc thì không có sự ràng buộc hay quy định giữa phần chữ và phần hình, không nhất thiết là phải nương theo nhau. Chúng tôi làm việc một cách độc lập, đúng như tinh thần của cuốn sách là sự sáng tạo, độc đáo và khác biệt. 12 họa sĩ là 12 gam màu riêng biệt và họ có những nét cá tính riêng. Mỗi một phần minh họa cũng là sự hóa thân của họa sĩ vào nhân vật của mình. Vì vậy, tôi không bị cuốn vào việc làm thế nào để phù hợp với phần tranh minh họa. Tôi chỉ tâm niệm viết làm sao để phần hóa thân nhân vật được hoàn thiện và tốt nhất có thể.

 “Truyện Kiều tự kể” có thể coi như là một sự viết lại, một sự tiếp nhận khác đối với một tác phẩm kinh điển. Sau thành công của “Truyện Kiều tự kể”, chị có dự định kể lại câu chuyện của một tác phẩm kinh điển nào khác hay không?

Tôi thấy thế giới văn học, đặc biệt là các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam, có rất nhiều. Hóa thân vào các nhân vật trong các tác phẩm đó cũng là một hướng đi và là một ý tưởng mới mẻ, độc đáo, có nhiều thử thách. Trong tương lai tôi có thể sẽ lại tiếp tục mạch cảm xúc này và bước vào tác phẩm kinh điển khác để làm quen và mở ra một thế giới nhân vật của riêng mình.

“Truyện Kiều” rất gần gũi với người Việt Nam, nhưng với “Truyện Kiều tự kể” thì lại khác. Cao Nguyệt Nguyên đã “đi guốc trong bụng” các nhân vật khiến cho cách nghĩ, cách cảm trước đây có thể bị dội cho gáo nước lạnh, nhất là với những ai chỉ tiếp cận “Truyện Kiều” ở góc độ nhà trường, góc độ giáo dục. Nhưng cá nhân tôi thì không bất ngờ vì đã đọc văn của Cao Nguyệt Nguyên từ trước, thấy rất rõ một giọng văn riết róng vừa sắc lạnh lại vừa ấm nóng. “Truyện Kiều tự kể” thêm một lần nữa khẳng định giọng văn của Cao Nguyệt Nguyên, từ cách nhập vai, cách xả vai với các nhân vật ở trong “Truyện Kiều” rất nhuần nhụy. Đằng sau 12 nhân vật, còn có thể hiện lên một nhân vật thứ 13 chính là tác giả Cao Nguyệt Nguyên.

Một ấn tượng nữa là ở phần hình thức, mỹ thuật của cuốn sách. 12 bức tranh của 12 họa sĩ trẻ trong “Truyện Kiều tự kể” mỗi bức tranh như một tác phẩm độc lập, nhưng vẫn liên kết chặt chẽ với nội dung và làm cho cuốn sách trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn. Tranh minh họa không chỉ mở rộng không gian tưởng tượng cho câu chuyện, mà còn dự phần vào nội dung, tạo nên sự hài hòa giữa phần đọc và phần nhìn, khiến giá trị của tác phẩm được nâng lên. Chính vì vậy, “Truyện Kiều tự kể” đem đến sự ngạc nhiên cho nhiều bạn đọc ở nhiều độ tuổi, mang đến những chiều kích” - nhà văn Văn Thành Lê. 

Xin cảm ơn chị!

Nguyễn Hà thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận