Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Thủy chung với những sắc màu hội họa

Ở tiến sĩ - họa sĩ Nguyễn Thiện Đức luôn là tinh thần tự học và sáng tạo không ngừng.

 

Hàng loạt giải thưởng từ các cuộc thi hội họa, đồ họa… đã khẳng định vị trí của ông trong dòng chảy mỹ thuật Việt.

Theo học chuyên ngành sơn mài, ngay từ tác phẩm tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thiện Đức đã đoạt giải A Giải thưởng Công nhân mỹ thuật toàn quốc năm 1993. Giải thưởng thật quá bất ngờ đối với chàng sinh viên mới ra trường. Song Nguyễn Thiện Đức hiểu rằng, chặng đường trước mặt còn lắm gian nan, dấu ấn bước đầu chưa thể nói lên điều gì. Muốn làm được một việc thành công, muốn theo đuổi đam mê cần phải cố gắng hết mình. Con đường lao động nghệ thuật vốn rất khác nhau. Có người dấn thân cả cuộc đời nhưng vẫn không được ghi nhận. Làm nghệ thuật nghĩa là phải khám phá suốt đời.

Vì điều kiện công tác vừa giảng dạy, nghiên cứu, vừa sáng tác, lại đảm nhiệm thêm công việc quản lý nên Nguyễn Thiện Đức không có nhiều thời gian dành cho sơn mài. Để thỏa mãn khao khát sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu được vẽ, ông mở rộng tới các chất liệu khác như sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp và làm đồ họa. Ông vẽ hằng ngày, vẽ mọi nơi mọi lúc, như một cách ghi nhật ký, vẽ như thở vậy, để lưu lại những cảm xúc, những ý nghĩ ùa đến bất chợt. Khi ông vẽ trên toan, khi vẽ trên vóc, khi vẽ trên giấy, khi vẽ trên điện thoại hay máy tính. Ông coi đó là một cách để đối thoại với cuộc sống, với cái tôi của chính mình.

“Tôi chỉ cần thời gian”. Đó không phải là câu nói chơi của họa sĩ. Có cảm giác như ông tận dụng mọi lúc rảnh rỗi để vẽ, để được độc hành trong thế giới nghệ thuật. Thế giới ấy có thể cô đơn, nhưng là nỗi cô đơn dịu ngọt. Nỗi cô đơn ngân lên niềm hạnh phúc. Mỗi khi đắm chìm vào thế giới ấy, ông lại nhận về nguồn năng lượng quý giá. Vì thế, nếu lần đầu bước vào không gian nghệ thuật của Nguyễn Thiện Đức, người xem sẽ không khỏi choáng ngợp. Căn nhà rộng rãi của vợ chồng ông ở đường Phan Bội Châu - thành phố Huế tràn ngập tranh. Xưởng vẽ của ông cũng tràn ngập tranh. Những bức tranh với các kích cỡ khác nhau, các tạo hình khác nhau, bút pháp khỏe khoắn, phóng khoáng trong một cấu trúc chặt chẽ, gợi mở về không gian. Trên bề mặt chồng lấp những mảng màu, Nguyễn Thiện Đức lại tạo các điểm nhấn, khi là những đường gồ ghề thô ráp, khi là những vết rạch, vết cào xước, lúc là những điểm xuyết từ vật liệu tổng hợp. Người xem đối thoại với tác phẩm, cảm nhận nỗi trầm buồn, niềm hân hoan, những suy tư về cuộc sống, sự mất mát, sinh tồn. Năng lượng từ Nguyễn Thiện Đức, qua tác phẩm truyền đến người xem, tạo cảm giác ấm áp, nồng hậu. Cả khi ông đặt người xem buộc phải giải mã những mối quan hệ không đồng nhất thì sự ấm áp vẫn là mấu chốt, vẫn là chìa khóa cảm xúc. Các bộ tranh khổ lớn như Hợp thể số 3, Hợp thể số 4 hay Thiên địa nhân... là những tác phẩm mang chiều sâu suy tưởng, với sự phức tạp đa chiều trong tạo hình, lập nghĩa.

Theo đuổi ngôn ngữ biểu hiện và trừu tượng, Nguyễn Thiện Đức thường nặng lòng với quá khứ, quan tâm tới những góc khuất, tái hiện những điều đã mất, đã đi qua. Có thể nhận thấy điều này qua các tác phẩm như: Cánh đồng bạc, Tìm bóng cũ, Dấu xưa, Thiên đường lỡ, Rừng cúi đầu… Thiên nhiên trong tranh Nguyễn Thiện Đức thường mang vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng. “Tôi rất yêu thiên nhiên. Mỗi khi được trở về với thiên nhiên, tôi như được tiếp thêm sức sống”. Bởi vậy, khi chứng kiến những mất mát mỗi ngày trong thế giới tự nhiên, con người trí thức - nghệ sĩ ấy không khỏi ngẫm ngợi. Những khu rừng bị tàn phá, những quả đồi trơ trọi, những dòng sông ô nhiễm, cánh đồng bị san lấp,… tạo hình thành những khối rạn vỡ, những mảng màu trầm buồn. Cuộc sống hiện đại đem tới cho chúng ta tiện nghi, song cũng tước bỏ ở chúng ta quá nhiều thứ, trong đó có niềm rung động trước tự nhiên, cách đối xử với tự nhiên nhiều khi thô bạo. Và khi thế giới tự nhiên bị xâm hại thì số phận con người cũng không nằm ngoài vòng phong tỏa ấy.

Nguyễn Thiện Đức yêu cuộc sống đến tận cùng, yêu với tất cả sắc màu dáng vẻ. Đặc biệt, ông luôn đam mê tìm kiếm, luôn háo hức trước mọi thử nghiệm. Ông cho biết: “Những cái mới luôn luôn lôi kéo tôi. Vì thế kỹ thuật tạo hình, tạo chất của tôi rất đa dạng, phong phú. Tôi cảm thấy vui khi trang bị được cho mình nhiều công cụ trong ngành nghề”. Người có ảnh hưởng trực tiếp tới sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Thiện Đức chính là ông ngoại - một nghệ nhân lành nghề xứ Huế. Hình ảnh ông ngoại với bàn tay tài khéo sử dụng các kỹ thuật phong phú trong sơn mài, khảm trai, khảm xà cừ hay cẩn gỗ cẩn xương đã in đậm trong tâm trí người họa sĩ, động viên ông thêm nỗ lực mở rộng các biên độ, các giới hạn về kỹ thuật và chất liệu, để tác phẩm có thêm ngôn ngữ mới, sắc độ biểu đạt mới.

Tiến sĩ - họa sĩ Nguyễn Thiện Đức hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, giảng viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế.

Qua 30 năm vừa giảng dạy vừa sáng tác và tự học không ngừng, đến nay họa sĩ Nguyễn Thiện Đức đã đoạt hàng chục giải thưởng danh giá về hội họa, đồ họa, tham gia nhiều triển lãm ở quy mô toàn quốc và quốc tế cũng như có những triển lãm cá nhân đầy dấu ấn. Ông quan niệm giải thưởng là sự ghi nhận của giới chuyên môn, là niềm vui hạnh phúc đối với người làm nghề. “Tôi coi những giải thưởng là những viên gạch lót đường để tôi thấy vững tâm trong công việc, trong sự lựa chọn. Tôi nghĩ sứ mạng của tôi còn ở xa, nghệ thuật của tôi còn ở xa hơn”.

Trong năm nay, Nguyễn Thiện Đức ấp ủ dự định quay lại sơn mài, vẽ những bức tranh tương đối dài hơi. Ông cho rằng kỹ thuật sơn mài truyền thống của ông cha ta rất phong phú, tinh tế, song không tránh khỏi giới hạn. Giới hạn ấy đôi khi khiến họa sĩ không chuyển tải kịp thời dòng chảy cảm xúc đang chực ào ra, chực bung vỡ. Nhiều năm thực hành đa chất liệu, đặc biệt với chất liệu tổng hợp đã giúp ông tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá. Quay về sơn mài, vận dụng những kỹ thuật mới, cách biểu đạt mới để tạo ra các tác phẩm vừa truyền thống vừa mang dấu ấn cảm xúc của dòng chảy nghệ thuật hôm nay - đó là mục đích, cũng là niềm hạnh phúc của Nguyễn Thiện Đức, người thầy giáo - họa sĩ giàu năng lượng sáng tạo./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận