Nhà báo, nhà văn Uông Triều, người nhiều năm theo dõi mảng đề tài này cho rằng, cần tìm ra giải pháp để có nhiều hơn nữa những cây bút trẻ viết về đề tài này với chất lượng tốt hơn, dày dặn hơn.
Anh nhận xét như thế nào về những cây viết trẻ có tác phẩm viết về đề tài người lính, chiến tranh cách mạng và hậu chiến?
Những nhà văn đi qua cuộc chiến khá đông, họ am hiểu chiến tranh, bước ra từ cuộc chiến nên vốn sống, tư liệu rất phong phú để khai thác. Tuy nhiên hiện nay họ đã nhiều tuổi rồi và những gì cần viết về cuộc chiến họ cũng viết rồi. Còn đội ngũ kế cận khá mỏng so với thế hệ trước. Ngay trong cơ quan tôi, tạp chí Văn nghệ quân đội, những cây bút quan tâm đến đề tài này cũng ít. Bởi vì họ sinh ra sau chiến tranh nên họ không có sự trải nghiệm, có chăng là tư liệu qua lời kể của các thế hệ đi trước. Chính vì thế, thành tựu họ đạt được không thể bằng thế hệ trước. Rõ ràng đang có sự thiếu hụt và cần có sự chuyển giao. Chúng ta cần tìm ra giải pháp để có nhiều hơn nữa những cây bút trẻ viết về đề tài này với chất lượng tốt hơn, dày dặn hơn.
Theo dõi trên văn đàn tôi thấy một số nhà văn trẻ như Tống Phước Bảo (TP.HCM), Đào Thu Hà (Tây Nguyên), Lê Vũ Trường Giang (Huế), Bùi Tuấn Minh (Hà Nội),... đã có tác phẩm viết về đề tài này và đăng tải trên các tạp chí, báo. Anh nhận xét gì về tác phẩm của họ và trên hành trình viết, họ gặp những khó khăn nào?
Những người chị điểm danh không nhiều và những tác phẩm viết về chiến tranh, người lính cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong gia tài văn chương của họ thôi. Họ thường viết khi có những dịp đặc biệt, ví dụ Ngày Thương binh liệt sĩ, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…Vậy tại sao những người trẻ chưa mặn mà hoặc ít viết về đề tài này? Bởi vì họ thiếu sự trải nghiệm khi chiến tranh đã lùi khá xa, vì thế mà cảm xúc, hiểu biết về chiến tranh của họ chưa nhiều dẫn đến sự e ngại. Hơn nữa, chiến tranh là đề tài khó. Hiện chúng ta đang sống trong thời bình, vì thế mà sự quan tâm của độc giả đối với đề tài này vừa phải thôi nên họ thường tiếp cận những đề tài hiện thực xã hội đang diễn ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có hy vọng bởi thế hệ trẻ rất nhanh nhạy, có thể tiếp cận thông tin nhiều chiều, bên này và bên kia, góc nhìn hậu chiến, biên độ nhìn nhận về cuộc chiến sẽ rộng hơn. Chúng ta cùng chờ đón những tác phẩm trong tương lai của họ.
Rõ ràng, những người viết trẻ đã nỗ lực tìm tòi và tiếp cận với đề tài chiến tranh và người lính. Vậy còn những người lính trong thời bình được họ khai thác ra sao, thưa anh?
Nói thật là viết về người lính thời bình khó hơn trong chiến tranh, bởi vì chiến tranh có mất mát, đau thương, hy sinh, có nhiều câu chuyện để kể nhưng thời bình thì hơi khó. Có một điều mà chúng ta phải công nhận rằng, càng đau thương, mất mát, nhiều biến cố, trắc trở càng là mảnh đất màu mỡ cho văn chương. Còn đời sống người lính thời bình cứ bình thường như thế sẽ rất khó để viết hay. Đây là thách thức cho người cầm bút.
Đâu là những giải pháp thiết thực để khuyến khích những cây bút trẻ dấn thân vào đề tài khó này, thưa anh?
Như tôi đã phân tích về những khó khăn, thách thức mà người viết trẻ hôm nay đang gặp phải. Vậy chúng ta cần làm gì để họ tiếp tục sáng tác về người lính hôm nay, về chiến tranh cách mạng và hậu chiến? Tôi nghĩ đầu tiên là sự hỗ trợ của các ban, ngành quan tâm nhiều hơn nữa, mở thêm nhiều lớp bồi dưỡng về quân đội, quân ngũ để những cây viết trẻ có thêm nhiều kiến thức. Các hội văn học mở thêm nhiều trại viết, đặt hàng tác phẩm về đề tài này, mở rộng các cuộc thi viết... để khuyến khích họ quan tâm đến đề tài này nhiều hơn nữa. Những giải pháp trên nếu thực hiện tốt sẽ có những hiệu quả nhất định và chúng ta tin tưởng, hy vọng vào thế hệ trẻ hôm nay - đội ngũ viết đầy sung sức và sáng tạo.
Trân trọng cảm ơn nhà văn!
Vân Khánh thực hiện!