Từ những tiết mục, trò rối đơn lẻ khi xưa, các nghệ sĩ đã xây dựng được những vở diễn lớn với những cách thức biểu diễn mới lạ, ví như các vở: Nhịp điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh, Mơ rồng hay Thân phận nàng Kiều… Vậy họ đã có những tìm tòi như thế nào để đạt được thành quả đó? NSND Nguyễn Tiến Dũng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có những chia sẻ về điều này.
Mang cho múa rối một diện mạo mới
Từ sự nỗ lực của bản thân cũng như các đồng nghiệp, anh mong muốn mang đến điều gì cho múa rối?
Tôi cũng như nhiều nghệ sĩ khác muốn mọi người biết và đến nhà hát thưởng thức múa rối nhiều hơn. Vì vậy, chúng tôi phải bằng cách nào đó làm cho môn nghệ thuật này mang một sức sống mới, một diện mạo mới, cho dù múa rối truyền thống của cha ông ta vốn dĩ đã rất đặc sắc. Múa rối nước của Việt Nam được khách du lịch rất yêu thích, vì thông qua đó họ hiểu thêm về văn hóa truyền thống của chúng ta. Còn múa rối cạn lại phù hợp để dàn dựng các chương trình, vở diễn dành cho thiếu nhi trong các dịp nghỉ hè hoặc nghỉ lễ. Dù vậy, tôi vẫn muốn mở rộng đối tượng khán giả hơn, nghĩa là có những tác phẩm mà mọi người đều thích xem. Khi tôi bắt tay vào dàn dựng, với mỗi vở diễn tôi luôn nghĩ phải làm điều gì đó để mình cảm thấy thích đã rồi sau đấy thông qua biểu diễn của các nghệ sĩ mới có thể truyền sự say mê, cảm xúc nghệ thuật lan tỏa đến với khán giả.
Anh có mất nhiều thời gian để thực hiện một ý tưởng mà anh tâm đắc?
Nghệ sĩ chúng tôi thấy tự hào khi đưa được những nét đặc sắc của múa rối đến với người xem. Để có một tác phẩm hoàn thiện thì từ việc có ý tưởng đến khi lên sàn và đạt được những tiêu chí như mong muốn khó mà nhanh được. Bởi vì ý nghĩ là một chuyện, ý tưởng là một chuyện còn cách thức thể hiện nó thế nào cho hiệu quả nhất lại là một câu chuyện khác. Có lần mọi thứ tưởng như đã xong nhưng rồi chúng tôi lại thay đổi, lại trở về điểm xuất phát. Làm nghệ thuật, nhất là múa rối, không thể nào nửa chừng được. Vì vậy, chúng tôi cứ đắm đuối, cứ hết lòng dù nhiều khi quá sức.
Là một đạo diễn có niềm đam mê và giàu ý tưởng với nghề, vậy có khi nào anh gặp khó khi kỳ vọng của mình vượt quá xa so với khả năng của diễn viên hay không?
Tôi có một điều may mắn là được tiếp cận với múa rối từ nhỏ vì cha tôi, NSƯT Hoàng Luận, là một trong những đạo diễn đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà hát Múa rối Việt Nam. Lúc nhỏ, tôi thường theo cha đến nhà hát xem ông và các cô chú nghệ sĩ dựng vở, biểu diễn. Lúc đó đúng là chỉ biết xem thôi, nhưng đến sau này tôi hiểu rằng điều đó như một quá trình thẩm thấu tự nhiên vậy. Một may mắn khác nữa là khi tôi theo học chuyên ngành diễn viên kịch nói tại trường Nghệ thuật Quân đội được những người thầy tuyệt vời của sân khấu Việt Nam chỉ bảo. Như vậy, bên cạnh niềm say mê, những hiểu biết về nghệ thuật múa rối, tôi cũng có đủ sự bài bản về nghệ thuật trình diễn để có thể hướng dẫn cho diễn viên.
Múa rối Việt Nam được đánh giá cao
Chọn lựa chất liệu để làm con rối có phải là một công việc thú vị không? Dường như các tre, nứa, mây hay rơm luôn được anh ưu tiên trong các vở diễn lớn?
Tìm kiếm chất liệu và tạo hình con rối là một phần rất quan trọng trong công việc của chúng tôi. Việc chọn cái gì và biểu diễn ra sao phải thay đi đổi lại rất nhiều. Tưởng là hoàn thành nhưng thoắt cái lại có thể về không, vì cảm giác của sự lặp lại hay chưa trọn vẹn đeo bám. Tôi có thể lấy ví dụ từ vở Vũ điệu hoa quỳnh. Khi vở diễn thành công và giành giải nhất tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV năm 2015 ít ai biết rằng trước đó những con rối có diện mạo hoàn toàn khác, chứ không phải bằng tre, nứa như sau này. Bởi vì chúng tôi nghĩ để thể hiện được sự mong manh, tinh khiết của hoa quỳnh thì mọi thứ phải đẹp, phải lung linh. Nhưng rồi cho đến khi mọi thứ gần như đã xong thì trong đầu tôi lại bật ra suy nghĩ: Làm như thế này chưa chắc đã là hay. Không có gì đặc biệt cả, phải tìm một cái gì đó độc đáo hơn. Vậy là tôi nghĩ suốt nhiều ngày mà vẫn không ra là mình chọn chất liệu gì, tạo hình ra sao trong khi kỳ liên hoan đang đến gần. Và đúng trong cái giây phút nước sôi lửa bỏng ấy, tôi đã nghĩ ra hình ảnh cây tre. Cứng cáp đấy nhưng cũng mềm dẻo đấy, thô ráp đấy nhưng cũng nuột nà đấy. Sau đó các con rối trong Vũ điệu hoa quỳnh hoàn toàn được thực hiện bằng tre và nứa.
Sau thành công của Vũ điệu hoa quỳnh năm 2015, tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V được tổ chức tại Thái Lan năm 2018, vở diễn Nhịp điệu quê hương lại vinh dự giành được giải nhất, anh cảm nhận như thế nào về múa rối Việt Nam trong dòng chảy phát triển chung?
Tôi thấy so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam được đánh giá khá cao về nghệ thuật múa rối. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc giành giải thưởng ở các cuộc thi mà còn là sự tin tưởng của các bạn về sự tìm tòi, sáng tạo của chúng ta trong nhiều năm qua. Tôi đã từng được mời tham gia nhiều hội thảo, sự kiện về múa rối, đến làm chuyên gia tại một số nước. Cảm xúc tự hào luôn thường trực mỗi khi tôi được đại diện là nghệ sĩ múa rối Việt Nam cùng với nghệ sĩ các nước thực hiện niểm đam mê của mình. Tôi vẫn nhớ mãi một kỷ niệm vui trong Liên hoan Múa rối quốc tế tại Thái Lan năm 2018, sau khi Việt Nam được xướng tên, các bạn ở các đoàn thuộc khu vực Đông Nam Á đã rất hồ hởi chúc mừng. Họ còn gặp các đoàn thuộc các châu lục khác để nói rằng: “Ở gần chúng tôi đã có một nước đoạt vô địch múa rối” bằng giọng điệu rất tự hào. Cử chỉ và lời nói đáng yêu đó làm cho tôi thấy vui và ấm áp.
Vừa qua Nhà hát Múa rối Việt Nam đã trình diễn tác phẩm rối Thân phận nàng Kiều tại Nhà hát Lớn theo chủ trương đưa các vở diễn chất lượng cao đến với công chúng Thủ đô của Bộ VH-TT&DL, anh có cảm xúc gì sau những đêm diễn này?
Tôi và các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam cảm thấy hào hứng và hãnh diện vô cùng. Sau mấy tháng nghỉ để phòng dịch Covid - 19, chúng tôi trở lại sàn diễn bằng một hoạt động không thể thú vị hơn. Được biểu diễn tại Nhà hát Lớn - nơi các tiêu chuẩn cho sân khấu đều được đảm bảo một cách tối ưu, luôn là niềm mơ ước của tất cả các nghệ sĩ. Hy vọng khán giả sẽ yêu thích múa rối hơn, chúng tôi sẽ có nhiều dịp được biểu diễn tại Nhà hát Lớn như thế này nữa.
Vũ Nga thực hiện