Nhà thơ Lữ Mai: 'Chúng tôi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng về người lính'

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai, Ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân dân cho rằng, việc cây bút trẻ dấn thân và khẳng định mình ở địa hạt biển đảo là tín hiệu đáng mừng.

 

“Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí Bộ Quốc phòng” giai đoạn  2014 - 2019 (trao giải năm 2019) và “Giải thưởng sáng tác Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài Hải quân” giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân vừa trao vào trung tuần tháng 8/2020 là những cuộc thi thu hút rất nhiều cây viết trẻ ở các thể loại thơ, văn…

Người viết trẻ có nguồn cảm hứng mới với đề tài biển, đảo

Khoảng 5 năm trở lại đây, những người viết trẻ đã nhập cuộc với đề tài biển, đảo và cho ra đời những tác phẩm ấn tượng. Nhà thơ Lữ Mai đánh giá như thế nào về những tác phẩm của họ?

Mảng đề tài về biển đảo bấy lâu nay vẫn được xem là một địa hạt khó, đặc biệt là với người viết trẻ như chúng tôi. Là người viết đồng thời cũng là người đọc rất kỹ các tác phẩm của các bạn trẻ, tôi luôn dành tình cảm trân quý họ. Có những tác phẩm thực sự ấn tượng như tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Khi tôi đặt chân đến Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi mới cảm nhận được sự thẳm sâu, tuyệt đẹp của biển xanh màu lá là như thế nào. Chỉ có những ai trải nghiệm như nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - một người lính Trường Sa đã từng bám trụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc thì mới có được một tiểu thuyết ấn tượng như vậy. Đây chỉ là một ví dụ trong vô số những tác phẩm về Trường Sa. Hay như trường ca “Nước non mặt biển” của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, tôi cũng rất yêu mến và thích thú. Mỗi một tác giả đều có một góc độ riêng, một sắc thái riêng và đều đong đầy một tình yêu, một niềm đam mê và một lòng tự hào đối với biển đảo Tổ quốc mình.

Là tác giả giành giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Tư lệnh Hải quân vừa trao với tác phẩm “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi” (viết chung với Trần Thành), nhà thơ suy nghĩ như thế nào về những tác phẩm viết về biển, đảo?

Đề tài biển đảo luôn có mặt trong các cuộc thi, từ cuộc thi của Bộ Quốc phòng cho đến những giải thưởng của Bộ Tư lệnh Hải quân, những giải thưởng của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Trong thời gian gần đây, lượng tác giả trẻ tham gia viết về người lính đông hơn trước. Trước đây, nói đến đề tài biển đảo, người ta thường nhớ đến tác phẩm của nhà thơ Hữu Thỉnh, trường ca của nhà thơ Thanh Thảo, những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến… Nhưng càng gần đây, số lượng tác giả tham gia thuộc thế hệ 7x, 8x rất đông. Đây là một lực lượng sáng tác mới, họ có nguồn cảm hứng mới để khắc họa hình ảnh người lính hôm nay. Họ sẽ nối tiếp mạch cảm hứng dồi dào ấy để khắc họa, tạo hình mới về người lính, về vùng biển đảo thiêng liêng.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai cho rằng, việc cây bút trẻ dấn thân và khẳng định mình ở địa hạt biển đảo là tín hiệu đáng mừng.  Luôn có sự kết nối với người lính

 Viết về biển đảo có nhiều thể loại, trong đó trường ca, tiểu thuyết vẫn luôn được coi là địa hạt khó chinh phục, nhà thơ Lữ Mai có nghĩ vậy không?

Nhiều năm quan sát, đọc và cảm nhận các tác phẩm về biển đảo, tôi thấy rằng, trường ca và tiểu thuyết là những thể loại dài hơi và là một thách thức lớn đối với người cầm bút. Khi chúng ta rung động trước biển, trước người lính, chúng ta có thể làm một bài thơ, hoặc viết một truyện ngắn, nhưng để ra được một trường ca hay tiểu thuyết thì không đơn giản. Nguồn cảm xúc đó cần có sự cộng hưởng bằng sự trải nghiệm thực tế, phải có độ lùi về thời gian, phải thực sự lắng đọng mới có thể viết được.

Ví như tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, anh phải bám trụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc với vai trò là một người lính hải quân. Hay như trường ca “Sóng trầm biển dựng” thì nhà thơ Đoàn Văn Mật không chỉ đến với Trường Sa mà còn có mặt trên chuyến tàu KN490 để đi theo dàn khoan HD 981 trong nhiệm vụ chấp pháp quốc tế. Rõ ràng, để viết được trường ca, tiểu thuyết cần có sự trải nghiệm dày dặn và phải sống với nó trong suốt một quãng thời gian rất dài.

Cái khó về cách tiếp cận đề tài biển đảo là gì? Những người viết trẻ họ phải vượt qua những khó khăn, trở ngại nào để sáng tạo ra một tác phẩm có giá trị?

 Có rất nhiều cái khó mà ai cũng nhìn ra, đó là đề tài biển đảo thì quá rộng lớn bao la mà năng lực của người viết thì có hạn. Chúng tôi chỉ có một chuyến đi trong khoảng mười mấy ngày. Bấy nhiêu thời gian đó là quá ngắn ngủi, quá ít để có sự trải nghiệm đủ đầy. Hiểu về biển đảo một cách sâu sắc nhất chính là người lính - những người đang làm nhiệm vụ nhưng họ không phải là người viết. Tôi thường nói với đồng nghiệp rằng, kết thúc một chuyến hải trình mười mấy ngày không có nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ mà chúng tôi vẫn phải có sự kết nối với người lính, tiếp tục đồng hành với họ, tiếp nhận những câu chuyện về biển đảo, chia sẻ với mọi buồn vui của người lính để nuôi dưỡng cảm xúc, để thấu hiểu cuộc sống gian khổ và cũng đầy kiêu dũng của người lính nơi tiền tiêu Tổ quốc. Chúng tôi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng đó, để nó lớn dần lên thì mới có thể mong chờ sáng tạo ra một tác phẩm đầy đủ và trọn vẹn.

Thực sự vẫn chưa có những cây viết đeo bám, nặng duyên viết sâu và mở rộng biên độ về đề tải biển đảo. Chị nghĩ sao về điều này?

Đây đúng là một thực trạng mà chúng ta phải đối diện và giải quyết. Tôi lấy ví dụ, có cơ quan cử người đi công tác Trường Sa, nhưng nhiều lắm cũng chỉ được từ 3 - 4 người, chưa giải quyết được nhu cầu người viết muốn đến với Trường Sa. Bộ Tư lệnh Hải quân cần có sự can thiệp trực tiếp, có thể thông qua việc theo dõi tác nghiệp báo chí, tác nghiệp văn chương về đề tài này để phát hiện ra những cây viết, từ đó có sự hỗ trợ, quan tâm hơn để người viết có nhiều cơ hội tiếp cận với biển đảo, vớí người lính. Thêm nữa, phải có sự kết hợp đồng bộ với các trại sáng tác, tổ chức các cuộc giao lưu thực tế nhiều hơn nữa để bồi dưỡng những cây bút đã có tác phẩm, khuyến khích họ trở thành những cây bút chuyên viết về biển đảo, về Trường Sa, về người lính./.

                             Xin cảm ơn nhà thơ, nhà báo Lữ Mai!

Vân Khánh thực hiện 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận