Tại hội nghị cấp cao bất thường vừa rồi, 27 nước thành viên EU đã thông qua kết quả đàm phán giữa EU và chính phủ Anh về xử lý mọi khía cạnh liên quan đến việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Quá trình đàm phán này bị kéo dài và trải qua không ít trắc trở, nhưng rồi cuối cùng cũng đã ổn thoả. Nhưng EU không thể vì vậy mà hài lòng và càng không thể vui mừng vì việc thông qua kết quả đàm phán ấy thật sự là một bi kịch đối với EU. Bi kịch không phải ở chỗ vì Brexit mà EU bị suy yếu đi trên những phương diện nào đó mà ở chỗ EU bị một thành viên sau 46 năm tham gia quay lưng.
Việc thông qua kết quả đàm phán tại hội nghị cấp cao này của EU không có nghĩa là bi kịch ấy đã tới hồi kết. Nó là bước tiến rất quyết định tới hồi kết nhưng hồi kết như thế nào lại phụ thuộc vào tiến trình phê chuẩn thoả thuận nói trên ở phía EU và Anh. Ngày 11/12 tới, quốc hội Anh sẽ tiến hành quy trình phê chuẩn thoả thuận này. Sau đó, thoả thuận sẽ được phía EU phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU. Chuyện này phải suôn sẻ ở cả hai phía thì kết quả đàm phán giữa EU và chính phủ Anh về Brexit mới chính thức có hiệu lực và nước Anh trên danh nghĩa chính thức từ ngày 29/3/2019 sẽ không còn là thành viên của EU.
Nếu như ở phía EU việc phê chuẩn thoả thuận dễ ổn thoả thì ở phía Anh lại rất khó có thể thuận buồm xuôi gió. Nguyên nhân ở chỗ thủ tướng Anh Theresa May hiện gần như đơn thương độc mã với việc bám giữ vào thoả thuận này với EU. Sự chống đối thoả thuận ở nước Anh, trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như trong quốc hội, quyết liệt đến mức đe doạ cả vị thế quyền lực của bà May. Thoả thuận này không được phê chuẩn ở Anh hay bà May bị mất quyền để rồi thoả thuận khác với EU được phê chuẩn sẽ là cái kết cục thật sự bi kịch, bi thảm và bi hài đối với cả hai phía./.