Nối bước Anh, Pháp và Hà Lan, Đức là thành viên tiếp theo của EU và NATO bắt đầu việc đưa tàu chiến đến Biển Đông. Chính phủ Đức luận giải cho động thái mới này bằng viện dẫn những định hướng chiến lược cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương được thông qua từ năm ngoái. Sau hơn hai thập kỷ mới lại thấy có tàu chiến của Đức đến khu vực Biển Đông, chỉ có một con tàu nhưng cũng đủ để biểu trưng cho sự hiện diện quân sự của Đức tại khu vực này.
Giống như tất cả những nước bên ngoài khu vực Biển Đông, phía Đức cũng phải trực diện vấn đề nan giải nhất và nhạy cảm nhất về chính trị đối ngoại là Trung Quốc. Tất cả các nước này có lợi ích chính trị an ninh và kinh tế đối ngoại riêng ở khu vực Biển Đông cũng như có nhu cầu chung là thượng tôn luật pháp quốc tế, hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông. Vì thế, mỗi bên trong số ấy có cách làm riêng để gây dựng và thể hiện sự hiện diện quân sự trực tiếp của họ ở khu vực này.
Phía Đức tỏ ra rất thận trọng để tránh phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc. Ngay từ rất sớm, chính phủ Đức đã quả quyết là tàu chiến của Đức chỉ đi qua Biển Đông chứ không thực thi sứ mệnh về đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này, đồng thời lại còn đề nghị phía Trung Quốc cho tàu chiến của Đức được ghé thăm cảng nào đấy của Trung Quốc. Tàu chiến của Đức cũng không tham gia tập trận chung với đối tác hay đồng minh ở khu vực biển này.
Dù vậy, động thái này của Đức vẫn không thể được nhìn nhận tách rời chiều hướng diễn biến tình hình đã xuất hiện từ khá lâu nay là càng ngày có thêm càng nhiều đối tác bên ngoài có hành động cụ thể trên thực địa công khai bất chấp mọi yêu cầu đòi hỏi phi lý về chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Mối quan hệ của Trung Quốc với tất cả các bên liên quan đến chuyện này không thể tránh khỏi bị thêm trắc trở và phức tạp./.
Ngân Hà