Việc thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức khiến cho tình hình chính trị xã hội ở Malaysia thêm bất định và tình trạng mất ổn định chính phủ thêm nghiêm trọng. Ông Muhyiddin Yassin không có sự lựa chọn nào khác ngoài từ chức sau khi không bảo tồn được sự ủng hộ cần thiết từ một số thành viên của liên minh cầm quyền hiện tại. Diễn biến mới này đẩy chính trường Malaysia vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Hiện tại ở đây chỉ có hai giải pháp mà kịch bản nào cũng khó khả thi hoặc không hứa hẹn đảm bảo chắc chắn đất nước này sẽ có được sự ổn định chính phủ lâu bền. Kịch bản thứ nhất là tổng tuyển cử mới, tức là để cho cử tri quyết định. Ở kịch bản này lại có hai rủi ro lớn.
Thứ nhất là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra hiện vẫn đang hoành hành rất dữ dội ở Malaysia. Trong bối cảnh tình hình như thế mà tổ chức tổng tuyển cử thì sẽ không thể tránh khỏi khả năng cử tri lo ngại về dịch bệnh nên không đi bỏ phiếu và sẽ có thêm rất nhiều người bị lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế, lợi bất cập hại là chuyện nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Thứ hai là từ cục diện chính trị hiện tại ở xứ này mà suy xét thì chẳng có gì để đảm bảo rằng cuộc tổng tuyển cử mới sẽ giúp khắc phục được tình trạng phân hóa trong nội bộ xã hội và phân rẽ trên chính trường dai dẳng lâu nay mà chính nhờ vào đấy ông Muhyiddin Yassin mới được lên cầm quyền để rồi cũng vì nó mà phải từ chức. Nếu như sau bầu cử cũng như trước bầu cử trên phương diện này thì đúng là phải cân nhắc thật sự kỹ lưỡng trước khi quyết định tổ chức tổng tuyển cử mới.
Kịch bản thứ hai là thành lập chính phủ liên hiệp mới giữa các phe phái chính trị hiện có chân trong quốc hội. Câu hỏi đặt ra ở đây mà không ai trả lời nổi là ai có đủ năng lực đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp mới và lấy cái gì đây để đảm bảo chính phủ liên hiệp mới không bị đoản thọ như mấy chính phủ trước đó./.
Ngân Hà