Sau chuyến đi Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến đi Nga vào thời điểm sắp rời khỏi chính trường. Cử tri ở nước Đức trong cuộc bầu cử quốc hội tiến hành vào ngày 26/9 tới sẽ quyết định phe cánh chính trị nào ở đất nước này được cầm quyền và cử ra người kế nhiệm bà Merkel. Một khi đã đi Nga trong bối cảnh tình hình chính trị hiện tại ở châu Âu và trong mối quan hệ đầy trắc trở giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và Ukraine thì bà Merkel không thể không đến cả Ukraine. Cũng vì thế mà ở Nga hay ở Ukraine, trên chương trình nghị sự của bà Merkel khi trao đổi với tổng thống Nga Vladimir Putin hay tổng thống Ukraine Volodymir Selenski đều không thể thiếu vấn đề Crimea, vấn đề ly khai lãnh thổ ở Ukraine và vấn đề dự án hợp tác Nord Stream 2 giữa Nga với Đức và một số thành viên khác về xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga ngầm qua Biển Bắc trực tiếp sang Tây Âu, không quá cảnh qua Ukraine hay Ba Lan.
Trong tất cả những vấn đề này, bà Merkel và ông Selenski đều bị ông Putin đặt trước sự đã rồi. Nước Nga đã hội nhập Crimea quá sâu về chính trị, pháp lý cũng như quân sự và an ninh đến mức đòi hỏi Nga trả lại Crimea cho Ukraine chỉ còn là ảo tưởng của EU, NATO, Đức và Ukraine. Chuyện ly khai lãnh thổ ở Ukraine cấp thiết đối với EU, NATO, Ukraine và bà Merkel nhưng lại không cấp thiết đối với Nga và trong chuyện này thì thời gian ủng hộ Nga. Còn về dự án hợp tác Nord Stream 2 thì ông Putin không cam kết đáp ứng yêu cầu của bà Merkel và Ukraine về tiếp tục sử dụng như trước tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga quá cảnh Ukraine sang Tây Âu. Dự án này sắp hoàn thành và Mỹ cản trở hiện chỉ trên danh nghĩa cho nên ông Putin giờ nắm chuôi dao.
Tất cả những chuyện đã rồi này báo hiệu hai điều. Thứ nhất, bà Merkel rời khỏi chính trường với di sản chính trị được đề cao trong EU nhưng lại dang dở trong quan hệ của Đức và EU với Nga. Thứ hai, mối quan hệ của Nga với EU, NATO và các đối tác của họ cả trong thời gian tới chưa thể có được triển vọng cải thiện./.
Ngân Hà