Ngay từ thời tổng thống Mỹ Donald Trump cầm quyền ở Mỹ chứ không phải chỉ mới ở thời tổng thống đương nhiệm Joe Biden, phía Mỹ đã đề cập khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường xuyên hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khuôn khổ diễn đàn trao đổi tham vấn đã định hình nhưng mức độ thể chế hóa còn lỏng lẻo giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - được gắn cho biệt danh Bộ Tứ kim cương - vì thế trở nên ngày càng thêm quan trọng đối với những bên này. Trong thời gian gần 9 tháng cầm quyền ở Mỹ đến nay, ông Biden đã có cuộc gặp gỡ trực tuyến với thủ tướng Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Cuối tháng 9 này, ông Biden chủ ý sẽ tổ chức cuộc gặp cấp cao trực tiếp của Bộ Tứ ở Mỹ. Qua đó có thể thấy khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đặc biệt khuôn khổ diễn đàn Bộ Tứ này được chính quyền hiện tại ở Mỹ coi trọng như thế nào.
So với thời kỳ trước đây, chủ đề nội dung khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện tại có hai điều khác biệt rất rõ. Thứ nhất, mức độ đồng thuận quan điểm và quyết tâm phối hợp hành động giữa bốn đối tác nói trên đều đã tăng lên rất đáng kể về những kế hoạch hành động hay sáng kiến được các bên đưa ra nhằm cấu trúc khu vực lớn này về mọi phương diện. Nhờ vậy mà ý tưởng về kiến tạo khu vực lớn này có được sức sống và sức hấp dẫn rất mạnh mẽ ở cả trong khu vực cũng như trên thế giới và tính thời sự của ý tưởng được duy trì. Thứ hai, đồng thời với việc thúc đẩy hợp tác bốn bên, bốn nước kia tăng cường rất mạnh mẽ các mối quan hệ hợp tác song phương với nhau và dường như tất cả các cặp quan hệ song phương cũng đều tiến triển rất tốt đẹp. Chúng vừa bổ sung vừa tạo động lực mới cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác bốn bên. Bằng chứng gần đây nhất là việc Ấn Độ và Australia lần đầu tiên tiến hành tham vấn chính sách ở khuôn khổ bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước. Cái "Tay đôi trong Bộ Tứ" này giúp cho Bộ Tứ thêm bền vững và hiệu quả./.
Ngân Hà