Từ nhiều năm nay, cái gọi là Bộ Tứ kim cương - bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - được nhìn nhận là một trong những biểu hiện đặc trưng nhất và điển hình nhất cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng phải mãi đến vừa rồi, bốn bên này mới tiến hành cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên. Ở thời buổi dịch dã khiến cho các hoạt động ngoại giao trực tiếp song phương cũng như đa phương trở nên rất hiếm hoi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narandra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Yohishide Suga và Thủ tướng Australia Scott Morisson sang gặp nhau ở Mỹ. Khuôn khổ diễn đàn bốn bên này có được dấu mốc mới và lần đầu tiên hiện diện trực tiếp trước công chúng.
Trong bản tuyên bố chung của cuộc gặp cấp cao bao hàm trên thực chất không có nội dung gì mới. Tất cả mọi chủ ý và quan điểm ghi nhận trong ấy không lạ lẫm gì đối với thế giới bên ngoài. Chúng đều đã được thể hiện khi bốn bên tiến hành cuộc gặp cấp cao trực tuyến cách đây 6 tháng hay trong các phát biểu của từng bên thời gian qua mỗi khi đề cập đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy không nêu cụ thể đối phó ai trong một số định hướng hợp tác nhưng mục đích của họ là quyết tâm cấu trúc trên mọi phương diện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành nơi có lợi nhất cho tương lai chung cũng như riêng của họ, thành nơi mà bộ tứ này đảm trách vai trò trụ cột và đầu tàu, với ảnh hưởng chi phối và dẫn dắt, mở cửa cho tất cả các đối tác trong cũng như ngoài khu vực nhưng theo luật chơi của họ. Từ đó có thể thấy bước đi tiếp theo của Bộ Tứ này là dần dần thể chế hóa khuôn khổ diễn đàn và đưa ra những chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể để mời chào và tập hợp đối tác./.
Ngân Hà