Trong thời gian hơn 8 tháng qua kể từ khi có sự thay đổi chính quyền ở Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không những không được cải thiện mà còn căng thẳng và trắc trở hơn trước rõ rệt. Tuy nhiên, kênh tiếp xúc và đối thoại trực tiếp vẫn được hai bên duy trì. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với nhau và ông Tập Cận Bình vẫn tỏ ra không mặn mà với đề xuất của ông Biden về tiến hành cuôc gặp gỡ cấp cao trực tiếp. Những động thái mới đây nhất từ phía Mỹ đều cho thấy đối phó Trung Quốc là tông điệu chủ đạo trong định hướng chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với Trung Quốc. Phía Mỹ mời chào đối thoại với Trung Quốc chỉ nhằm mục đích kiểm soát diễn biến tình hình và không để cho mục đích đối phó kia trở nên nổi bật.
Tuy không biểu lộ cụ thể nhưng cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia nhằm cấu trúc khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thỏa thuận giữa Mỹ, Anh và Australia về liên minh an ninh tay ba (AUKUS) hay phiên họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ giữa Mỹ và EU đều có ẩn ý đối phó với những thách thức liên quan trên nhiều phương diện khác nhau từ phía Trung Quốc. Trong chính sách thương mại mới của Mỹ đối với Trung Quốc cũng tương tự như vậy.
Nhưng đồng thời phía Mỹ luôn luôn mời chào tiếp xúc và đối thoại với Trung Quốc, cả đối thoại chính trị an ninh lẫn kinh tế thương mại. Cố vấn an ninh đối ngoại Mỹ Jake Sullivans và người phụ trách đối ngoại của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, gặp nhau tại Thuỵ Sỹ. Đàm phán thương mại rồi sẽ được hai bên tiếp tục. Đối thoại để giữ cầu quan hệ và để đi vào hạ hỏa khi có thể được sẽ giúp hai bên giữ được thể diện và không bị coi là yếu thế hay thất thế. Vấn đề hiện tại đối với mối quan hệ này chỉ là không biết đến khi nào đối thoại mới khắc phục được đối phó./.
Ngân Hà