Làn sóng biểu tình phản đối hiện tại ở nước Pháp, đặc biệt ở thủ đô Paris, đang đẩy tổng thống nước này Emmanuel Macron đến thách thức lớn nhất trong hơn 18 tháng cầm quyền đến nay. Trong thực chất, đấy chính là sự bùng phát của một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội mới ở nước Pháp mà nguyên nhân chính nằm trong chính sách cầm quyền của ông Macron và hiện người này chưa thấy có hướng khắc phục. Xem ra, ông Macron đã quá tự tin hoặc đã chủ quan nên vụ việc mới có những diễn biến như trong mấy tuần vừa qua và để cho cái ung nảy ra từ cái sảy.
Lúc đầu, sự phản đối của những người biểu tình chỉ nhằm vào chính sách thuế của ông Macron. Họ chỉ yêu cầu ông Macron rút lại chính sách tăng thuế nhiên liệu. Về sau, những người bất bình với ông Macron đưa ra thêm yêu sách là tăng lương hưu và lương tối thiểu, khiến cho cuộc tranh đấu này còn trở thành cả cuộc đấu tranh về những quyền lợi xã hội. Và khi những người biểu tình lên tiếng đòi ông Macron từ chức và biến đường phố thành chiến trường thì chuyện phản đối kia đã trở thành cả cuộc đấu tranh chính trị nữa. Việc giải quyết cuộc khủng hoảng này bởi thế trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Ông Macron dường như đã ý thức được mức độ nguy hiểm của sự biến tướng của cuộc khủng hoảng này đối với quyền lực của mình nên đã phải thay đổi chiến lược là chuyển từ bất chấp làn sóng phản đối nói trên sang đối thoại với những người phản đối.
Cả việc phản đối mang động cơ chính trị lẫn mức độ bạo lực của nó đều là những hiện tượng rất mới lạ và diễn biến với hệ luỵ rất tai hại đối với tương lai của nước Pháp. Chúng cho thấy trong lòng xã hội và trên chính trường đất nước này đã âm ỷ từ lâu nay tiềm năng xung đột và phân rẽ. Chúng cho thấy vị tổng thống trẻ kia đang bị sa sút uy quyền và mức độ tín nhiệm trong dân chúng ở Pháp. Chúng buộc nước Pháp phải bận rộn với chính mình nhiều hơn mà một trong những cái giá đắt phải trả là sa sút vai trò và ảnh hưởng trên thế giới./.