Mức độ bất đồng quan điểm giữa Ba Lan và EU về trật tự hiệu lực giữa luật pháp chung của liên minh với luật pháp quốc gia riêng của thành viên đã đạt tới đỉnh điểm mới với cuộc khẩu chiến công khai tại Nghị viện châu Âu giữa thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawircki với đại diện của Uỷ ban châu Âu và dân biểu của Nghị viện châu Âu. Tại đó, phía Ba Lan không những chỉ kiên quyết bác bỏ mà còn kịch liệt phê phán mọi tuyên bố, phát ngôn, chỉ trích và cảnh báo từ phía EU về phán quyết của tòa án hiến pháp ở Ba Lan cho rằng luật pháp chung của EU có phần không phù hợp với luật pháp riêng của Ba Lan nên không thể có hiệu lực được ở Ba Lan, có nghĩa là Ba Lan có thể không bắt buộc phải tuân thủ những luật pháp liên quan này của EU. Trong nhìn nhận và đánh giá của EU, động thái này của Ba Lan trong thực chất là đặt luật pháp quốc gia của Ba Lan lên trên luật pháp chung của EU. Ứng xử như thế của thành viên đương nhiên gây tổn hại nghiêm trọng tới sự gắn kết nội bộ của liên minh, tới ý nghĩa và ý thức cộng đồng của EU, tới nền tảng giá trị chung và tới cộng đồng pháp lý của EU. Thành viên nào cũng tư duy và hành động như thế thì liên minh không thể vững mạnh và chỉ nặng về danh nghĩa mà nhẹ trong thực chất.
Sau chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit), Ba Lan là biểu hiện rất rõ ràng và cụ thể mới về ly tâm trong liên minh. Chính phủ Ba Lan không dám ly khai EU như Anh mà dường như chủ ý dùng những biểu hiện ly tâm EU như hiện tại để thực thi những chính sách bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa. Vì thế, phía Ba Lan sẽ thách thức EU đến mức độ và thường xuyên như có thể được. Cũng vì thế mà EU bây giờ phải khép thành viên này vào kỷ cương để tiền lệ không trở thành thông lệ và những biểu hiện ly tâm không trở thành xu hướng ly tâm trong liên minh. Từ đó có thể thấy, mối bất hòa giữa EU và Ba Lan còn kéo dài nhưng ưu thế thuộc về EU chứ không phải Ba Lan./.
Ngân Hà