Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm trắc trở, căng thẳng và ảm đạm khi Mỹ quyết định tẩy chay về chính trị ngoại giao Thế vận hội mùa đông diễn ra ở Bắc Kinh Trung Quốc vào đầu năm sau. Ở các nước thuộc khối phương Tây, chuyện tẩy chay hay không tẩy chay và tẩy chay như thế nào đã được đề cập đến từ khá lâu nay rồi và Mỹ là nước đầu tiên công bố quyết định. Theo đó, các vận động viên của Mỹ vẫn tham gia thi đấu thể thao như bình thường ở Bắc Kinh nhưng chính phủ Mỹ sẽ không cử đại diện tới tham dự. Gần như ngay sau Mỹ, chính phủ Australia đã đưa ra quyết định tương tự. Rồi đây sẽ có thêm đồng minh và đối tác khác nữa của Mỹ, đặc biệt trong EU và NATO, hùa theo Mỹ trong thể hiện thái độ như vậy đối với Trung Quốc.
Với chiêu thức này nhằm vào Trung Quốc, phía Mỹ đồng thời đạt được hai mục đích. Thứ nhất là chính phủ Mỹ thể hiện và khẳng định quan điểm chính sách đang theo đuổi đối với Trung Quốc, đặc biệt về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, nhưng vẫn giữ cơ hội cho các vận động viên của Mỹ tham gia thi đấu ở Thế vận hội tại Trung Quốc khi chỉ tẩy chay về chính trị ngoại giao chứ không cả về thể thao. Trong thực chất, tẩy chay Thế vận hội về chính trị ngoại giao khác với tẩy chay Thế vận hội cả về thể thao. Nếu Mỹ tẩy chay Thế vận hội ở Trung Quốc cả về phương diện thể thao nữa thì sẽ lợi bất cập hại ở nhiều khía cạnh. Các vận động viên của Mỹ sẽ bị thiệt thòi bởi chính quyết sách của chính phủ Mỹ. Thế giới bên ngoài sẽ đánh giá Mỹ chính trị hoá Thế vận hội để đối phó Trung Quốc và Mỹ sẽ rất khó thuyết phục và tập hợp được đồng minh và đối tác tham gia tẩy chay Thế vận hội ở Trung Quốc. Thứ hai là Mỹ đặt ra tiêu chí và chuẩn mực về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền cho các đồng minh và đối tác khi họ quyết định tẩy chay hay tham gia Thế vận hội mùa đông tới ở Trung Quốc. Mỹ đặt các đồng minh và đối tác này trước sự đã rồi và buộc họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc trong chuyện này./.
Ngân Hà