Tình trạng bất an, bất ổn và hỗn loạn về chính trị xã hội nội bộ trong những ngày vừa qua ở Kazakhstan tác động trực tiếp tới an ninh và ổn định chính trị xã hội ở cả khu vực. Mức độ quan tâm và quan ngại của Nga về Kazakhstan sâu sắc như thế nào thể hiện rõ nhất trong phát biểu của tổng thống Nga Vladimir Putin hàm ý Nga không để cho xảy ra kiểu "cách mạng màu" ở quốc gia nào nữa xung quanh Nga. Đồng thời, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể có được cơ hội đầu tiên để thể hiện vai trò sau gần 20 năm tồn tại. Kazakhstan trở thành thử nghiệm và thử thách đầu tiên của tổ chức này.
Năm 1992, Nga cùng một số nước Cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây ký Hiệp ước an ninh tập thể. Năm 2002, các nước tham gia hiệp ước này nâng cấp hiệp ước lên thành Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Hiện tại, tổ chức có 6 thành viên là Armenia, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus và Tadjikistan. Khi Armenia và Azerbaijan chiến tranh với nhau hay Belarus bị hỗn loạn chính trị xã hội mới rồi, tổ chức này đều không can thiệp, thậm chí cho dù đã được Armenia chính thức yêu cầu. Diễn biến tình hình ở Kazakhstan trong những ngày vừa qua khác biệt với trường hợp Armenia về bản chất và với trường hợp Belarus về mức độ. Có lẽ chính vì thế mà tổ chức này mới có cơ hội để thể hiện khả năng ở Kazakhstan. Ở nơi đây, rủi ro thất bại thấp hơn cả và nguy cơ bị sa lầy về chính trị cũng như an ninh lại không lớn. Nói theo cách khác, chính phủ Kazakhstan và lực lượng liên quân của tổ chức dễ dàng kiểm soát được tình hình.
Chỉ sau có mấy ngày, tổ chức này đã chứng tỏ thành công với thử nghiệm đầu tiên về can dự quân sự vào quốc gia thành viên và vượt qua được thử thách thật sự đầu tiên đối với sứ mệnh và vai trò của nó. Mỹ, NATO và EU không thể không cảm nhận thấy vị đắng ở đây vì họ không thể đối xử và đối phó tổ chức này như đối xử và đối phó Nga, mặc dù ai cũng biết Nga là cốt lõi của tổ chức này./.
Ngân Hà