Với danh nghĩa chủ tịch luân phiên đương nhiệm của EU, Pháp tổ chức diễn đàn lớn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên EU và của rất nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy danh nghĩa chính thức là chung cho EU, Pháp vẫn có lợi ích riêng với sự kiện này.
Năm ngoái, EU đã đưa ra chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước Pháp từ nhiều năm nay đã tăng cường hiện diện trực tiếp về chính trị, kinh tế, thương mại và cả quân sự, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đối với khu vực lớn này, lợi ích chiến lược trước mắt cũng như lâu dài của EU và của Pháp không khác biệt nhau nhiều và cơ bản gì. Trong các mục tiêu chiến lược mà EU và Pháp đề ra cho việc nỗ lực vươn tới khu vực xa không chỉ có chuyện khai thác và tận lợi những tiềm năng hợp tác và thịnh vượng to lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn có cả chủ ý gây dựng thế đứng và tiền đề thuận lợi nhất để cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Ấn Độ là đối tác được EU và Pháp rất coi trọng trong việc thực hiện chiến lược của họ cho khu vực. Pháp càng phải đặc biệt coi trọng Ấn Độ sau khi mối quan hệ với Australia trở nên trắc trở do Australia đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để chuyển sang hợp tác với Mỹ và Anh về an ninh và để được hai nước kia chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
EU và Pháp đã đưa ra rất nhiều dự án hợp tác với các nước trong khuôn khổ chiến lược của họ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vấn đề đặt ra bây giờ là triển khai thực hiện cụ thể, là cạnh tranh được với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trên thực địa ở khu vực này. Thể hiện sự coi trọng khu vực là cần thiết, đề ra chiến lược với dự án hợp tác cụ thể là không thể thiếu. Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa thể đủ để EU và Pháp chinh phục được khu vực này./.
Ngân Hà