Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đi đầu trong khối các nước phương Tây về trừng phạt Nga cả trên phương diện mức độ lẫn phạm vi. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lại không áp dụng biện pháp chính sách gì nhằm phong toả Nga xuất khẩu dầu lửa và khí đốt. Xuất khẩu dầu lửa và khí đốt là một trong những nguồn thu quan trọng và quyết định nhất của Nga. Cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu hiện cũng vấp phải giới hạn rất khó vượt qua như Mỹ.
Ở châu Âu, EU phụ thuộc vào cung ứng khí đốt của Nga, không chỉ trước mắt mà cả về trung hạn nữa chưa thể dễ dàng giảm đáng kể mức độ phụ thuộc được. Một trong những giới hạn lớn nhất của EU khi trừng phạt Nga chính ở đó.
Nước Mỹ không thiếu khí đốt và cũng tự khai thác dầu lửa, nhưng hàng năm vẫn nhập khẩu dầu lửa từ Nga với mức độ không quá lớn cũng không hề nhỏ mà Mỹ hiện chưa tìm được trên thế giới nhà cung ứng dầu lửa có thể thay thế Nga. Giới hạn đối với ông Biden ở chỗ nếu khuyến khích và thúc đẩy khai thác dầu lửa ở Mỹ thì phải trả giá đắt về môi trường sinh thái mà chống biến đổi khí hậu trái đất đã được ông Biden coi là một trong những trọng tâm cho nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại ở Mỹ. Mặt khác, mức độ lạm phát hiện tại ở Mỹ khoảng 7,5%, cao chưa từng thấy kể từ rất nhiều năm nay và là thách thức rất lớn đối với ông Biden về chính trị đối nội, kinh tế và xã hội. Giá dầu lửa hiện còn tăng mạnh trên thị trường thế giới. Nếu cấm vận Nga về xuất khẩu dầu lửa và khí đốt, Mỹ và đồng minh có thể nâng cao hiệu ứng trừng phạt Nga, nhưng họ sẽ bị thiếu hụt năng lượng và tỷ lệ lạm phát sẽ tăng. Ông Biden đối phó Nga nhưng đồng thời phải tập trung quan tâm tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 tới ở nước Mỹ. Giới hạn này vì thế không dễ vượt qua./.
Ngân Hà