Với quyết định cấm nhập khẩu dầu lửa của Nga, tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia tăng thêm đáng kể mức độ quyết liệt trong các biện pháp chính sách của Mỹ nhằm trừng phạt Nga. Xuất khẩu dầu lửa và khí đốt là một trong những nguồn thu nhập lớn nhất và quan trọng nhất của Nga. Nhập khẩu dầu lửa của Nga chiếm khoảng 8% nhập khẩu dầu lửa hàng năm của Mỹ, mức độ như thế không phải là lớn và Mỹ cũng không thuộc diện những nước nhập khẩu dầu lửa nhiều nhất của Nga.
Cho dù hiện tại các đồng minh của Mỹ chưa quyết định tương tự, tác động của quyết sách mới này của Mỹ vẫn rất mạnh mẽ tới các đồng minh của Mỹ, vẫn có thể rất nguy hại đối với nước Nga và đầy rủi ro về chính trị đối nội đối với ông Biden trong năm có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ.
Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ hiện khoảng 7,5% cao chưa từng thấy kể từ nhiều năm trở lại đây. Cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa sẽ làm cho giá dầu lửa trên thị trường thế giới gia tăng thêm, tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ cũng như làm cho giá dầu lửa tăng cao đối với người tiêu dùng ở Mỹ. Hệ lụy trực tiếp là lạm phát sẽ tiếp tục tăng ở nước Mỹ. Nếu chiều hướng diễn biến tình hình như thế này cứ tiếp diễn và nếu ông Biden không nhanh chóng đưa ra được đối sách thích hợp và hiệu quả để kiềm chế lạm phát và duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế thì kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở nước Mỹ chắc chắn sẽ rất tệ hại đối với Đảng Dân chủ và cá nhân ông Biden.
Ông Biden dường như chấp nhận những rủi ro này để củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo và dẫn dắt đồng minh và đối tác trong khối các nước phương Tây. Chủ ý của ông Biden là Mỹ đi trước và dần dần thúc ép các đồng minh và đối tác đi theo trong chuyện cấm vận xuất khẩu dầu lửa và khí đốt của Nga./.
Ngân Hà