Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được cả hai bên đặc biệt coi trọng. Ông Kishida chọn Ấn Độ làm điểm đến thăm song phương đầu tiên kể từ khi trở thành thủ tướng ở Nhật Bản. Sau ba năm rưỡi mới lại có thủ tướng Nhật Bản tới thăm Ấn Độ. Có thể thấy được ngay qua đó hai điều. Thứ nhất, ông Kishida có ý thực chất hoá hơn nữa mối "Quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đăc biệt" mà Ấn Độ và Nhật Bản đã thiết lập với nhau. Thứ hai, ông Kishida định hướng mối quan hệ của Nhật Bản với Ấn Độ nói riêng và chính sách đối ngoại của Nhật Bản nói chung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứ không còn chỉ có châu Á - Thái Bình Dương mà hai nước này tạo thành trục quan hệ với tác động rất quyết định tới tương lai của khu vực lớn. Ấn Độ và Nhật Bản cùng với Mỹ và Australia tạo thành cái gọi là Bộ Tứ kim cương cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Kishida đem đến Ấn Độ cam kết đầu tư 42 tỷ USD trong thời gian 5 năm tới, vượt xa số lượng 32 tỷ USD đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ trong khoảng thời gian 10 năm qua. Quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển năng động được bổ sung và hậu thuẫn bằng sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động về chính trị thế giới và chính trị an ninh khu vực, đặc biệt về chính sách và hành động của Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á và Biển Đông cũng như ứng phó tác động của kế hoạch vành đai, con đường của Trung Quốc.
Duy nhất hiện tại chỉ có quan điểm thái độ về Nga liên quan đến chiến sự ở Ukraine phủ bóng xuống mối quan hệ song phương này và chuyến công du của ông Kishida. Ấn Độ không hoàn toàn cùng hội cùng thuyền với Nhật Bản, Mỹ và Australia về trừng phạt Nga và cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng. Nhưng đấy chỉ là khác biệt quan điểm vì lợi ích cơ bản riêng và cũng chỉ nhất thời chứ không phải bất đồng quan điểm mang tính nguyên tắc cơ bản đối với cả hai bên./.
Ngân Hà