Chuyện phê chuẩn thoả thuận đạt được với EU về xử lý việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) đã không được thuận buồm xuôi gió như thủ tướng đảo quốc này, bà Theresa May chờ đợi. Sau khi nhận ra rằng không thể có được đa số trong quốc hội để phê chuẩn thoả thuận kia, bà May đã rút lại chủ định và nhằm tới thời điểm khác vào khoảng cuối tháng 1/2019.
Tuy không còn sự lựa chọn nào khác nếu muốn tránh bị thất bại mà thất bại này có thể đồng nghĩa với việc mất theo luôn cả cương vị cầm quyền, bà May còn có thể sử dụng động thái ấy như một bước đi sách lược.
Nếu thoả thuận giữa chính phủ Anh và EU về Brexit không được quốc hội Anh phê chuẩn thì phía EU sẽ không tiến hành phê chuẩn nó. Trong trường hợp này, nước Anh ra khỏi EU từ ngày 29/3 năm tới mà không với bất kỳ thỏa thuận nào với EU về tương lai của mối quan hệ giữa hai bên. Kịch bản này là cơn ác mộng đối với cả hai phía nhưng tác động tiêu cực và tai hại đối với phía Anh nhiều hơn và nghiêm trọng hơn so với EU.
Bà May buộc phải lùi để tránh thất bại vào thời điểm hiện tại, đồng thời dùng việc ấy để gây áp lực đối với EU nhằm buộc EU nhượng bộ thêm, dẫu có thể nặng về danh nghĩa mà nhẹ về thực chất, nhưng phải có nhượng bộ mới.
Ở Anh, bà May sẽ dùng thỏa thuận mới để biểu lộ là đã nhượng bộ với phe đối lập và những người không ủng hộ Brexit, đã làm tất cả những gì có thể và cũng đã buộc EU phải thoả hiệp thêm. Bà May nhìn nhận ở đó cơ hội thuận lợi hơn cho thoả thuận mới với EU về Brexit sẽ được quốc hội Anh thông qua và vì thế địa vị quyền lực của chính mình không bị đe doạ nữa.
Bà May suy tính nhằm được lợi nhất từ bước lùi. Nhưng sách lược này thành công hay không phụ thuộc vào EU có chấp nhận đàm phán lại với bà May hay không. Hiện tại, EU vẫn thẳng thừng loại bỏ khả năng ấy. Cho nên mới nói giờ mưu sự tại bà May nhưng thành sự lại tại EU./.