Cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao 6 nước Israel, Mỹ, Ai Cập, Maroc, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA) ở Israel là thành quả ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng hiện tại cũng như về lâu dài đối với Israel. Ai Cập bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Israel hồi năm 1979 trong khi ba nước Ả rập kia chỉ mới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Cả trên danh nghĩa chính thức lẫn trong thực chất, 6 nước này đến thời điểm hiện tại chưa thành lập được liên minh chính trị, quân sự hay an ninh ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh nhưng rõ ràng có chủ định co cụm và tập hợp nhau lại để cùng đối phó Iran và những đồng minh của Iran.
Tất cả đều xung khắc với Iran về cả lợi ích địa chiến lược ở khu vực chứ không chỉ có thuần tuý về an ninh, cụ thể là về vai trò và ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo và trong cuộc đối kháng giữa dòng Shi-it và dòng Sun-ni trong thế giới Hồi giáo. Vì thế, họ muốn Mỹ làm găng chứ không hòa dịu, đối địch chứ không hợp tác với Iran. Và tất cả đều quan ngại về khả năng Mỹ và Iran sắp tới đạt được thỏa thuận mới về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, bất kể đó chỉ là khôi phục hiệu lực đầy đủ của thỏa thuận đã được ký kết năm 2015 (JCPOA) hay thỏa thuận mới với nội dung mới.
Iran là đối thủ chính đồng thời là trở ngại chính cho khả năng hình thành liên minh này. Mỹ không thể không hướng tới thỏa thuận với Iran về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran nhưng lại vẫn phải dựa cả vào các đồng minh trong khu vực. Israel và 4 nước kia không thể không cần Mỹ để đối phó Iran. Mỹ định chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực khác trên thế giới như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay châu Âu thì các nước này càng phải tranh thủ Mỹ và phải "thông cảm" với Mỹ chứ không thể bất chấp Mỹ trong chuyện quan hệ với Iran. Dù vậy, Israel cũng đã gặt hái thành công quan trọng ban đầu trong việc liên thủ với các nước Ả rập./.
Ngân Hà