Ngay trước thềm cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của NATO tổ chức ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, NATO cùng với Thuỵ Điển và Phần Lan đạt được thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hai nước Bắc Âu kia gia nhập NATO. Hai nước này đã đệ đơn chính thức xin gia nhập NATO nhưng vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Thoả thuận vừa đạt được nói trên dọn dẹp trở ngại cuối cùng trên con đường đưa Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Tại cuộc gặp cấp cao năm nay, NATO sẽ chính thức đưa ra lời mời Thuỵ Điển và Phần Lan tham gia liên minh.
Thoả thuận kia là kết quả của một cuộc mặc cả giữa các bên liên quan. Ngay từ đầu của chuyện này, thiên hạ thừa biết Thổ Nhĩ Kỳ làm cao thế thôi chứ rồi cuối cùng cũng sẽ không phủ quyết việc Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tận dụng mong muốn đặc biệt kia của Thuỵ Điển và Phần Lan để ép hai nước này đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyện truy sát người Kurd và nhập khẩu vũ khí. NATO có lợi ích chiến lược to lớn và lâu dài với việc thu nạp thêm hai nước kia vào liên minh quân sự nên sẽ không để cho Thổ Nhĩ Kỳ phủ quyết và NATO không thiếu con chủ bài đắc dụng để buộc Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng phải đi vào thoả hiệp với Thuỵ Điển và Phần Lan. Nói theo cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ ý thức được rằng chậm nhất thì cũng chỉ cho tới trước cuộc gặp cấp cao của NATO ở Madrid, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chấm dứt cuộc mặc cả với NATO, Thuỵ Điển và Phần Lan.
Cho dù phía Thổ Nhĩ Kỳ quả quyết là đã đạt được những gì muốn đạt được trong chuyện này, thực chất không hẳn như vậy. Chuyện liên quan đến nhập khẩu vũ khí thì dễ giải quyết bởi Thuỵ Điển và Phần Lan cũng phải chấp nhận trả giá. Nhưng trong chuyện liên quan đến người Kurd thì nhượng bộ của Thuỵ Điển và Phần Lan lại chỉ là danh nghĩa khi Toà án châu Âu đóng vai trò quyết định mà toà này xưa nay luôn luôn làm găng với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người Kurd. Khác với Thuỵ Điển và Phần Lan, toà án này không xin gia nhập NATO nên không luỵ Thổ Nhĩ Kỳ./.
Ngân Hà