Không ngoài mọi dự liệu trước đấy, NATO gấp gáp làm các thủ tục cần thiết để thu nạp Thuỵ Điển và Phần Lan vào liên minh quân sự. Chỉ vài ngày sau khi được các thành viên nhất trí thông qua quyết định đồng ý cho hai nước Bắc Âu này trở thành thành viên mới, NATO nhanh chóng ký kết với Thuỵ Điển và Phần Lan nghị định thư về việc hai nước này gia nhập NATO để các thành viên tiến hành quy trình phê chuẩn ở quốc gia.
Đương nhiên là Nga không hài lòng về diễn biến mới này. Nhưng trong thực chất, việc Thuỵ Điển và Phần Lan tham gia NATO chưa phải là ranh giới cuối cùng Nga đặt ra cho NATO bởi việc hai nước này gia nhập NATO là trường hợp đặc biệt, khác biệt cơ bản so với việc NATO thu nạp các nước Đông Âu thuộc khối Varsaw trước đây cũng như các nước cộng hoà thuộc Liên Xô xưa, càng khác biệt cơ bản với khả năng NATO kết nạp Ukraine trong tương lai xa.
Thuỵ Điển và Phần Lan theo đuổi chính sách trung lập nhưng đã có quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với NATO cả ở trong lẫn bên ngoài các mối quan hệ hợp tác giữa EU mà cả hai đều là thành viên với NATO. Ở khu vực láng giềng xung quanh Nga vốn đã có không ít thành viên NATO buộc Nga phải luôn phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó thách thức an ninh từ phía NATO.
Nhưng đối với cả Nga lẫn NATO, NATO có thêm thành viên mới giúp NATO tiến lại gần Nga hơn là một chuyện, ở các thành viên mới này của NATO có căn cứ quân sự và lực lượng quân đội của NATO hay không lại là chuyện khác. Đối với Nga, lằn ranh đỏ trong chuyện Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO trong thực chất không phải là danh nghĩa hai nước này là thành viên NATO mà là trên lãnh thổ Thuỵ Điển và Phần Lan có đặt căn cứ quân sự và có hiện diện thường xuyên binh lính của NATO hay không. NATO hiện không loại trừ khả năng này và vì thế đỉnh điểm bất hoà giữa NATO và Nga liên quan đến lần mở rộng NATO này vẫn còn ở phía trước./.
Ngân Hà