Trong khoảng thời gian rất ngắn, cả tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin đều công du vùng Vịnh. Vì Mỹ và Nga đang đối địch nhau quyết liệt liên quan đến chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine nên hai sự kiện này không thể tránh khỏi bị coi là đối trọng nhau.
Kể từ khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, chuyến đi tới Iran là lần thứ hai ông Putin rời nước Nga. Ở Iran, ông Putin gặp lãnh đạo Iran và cùng với tổng thống của Iran và Thổ Nhỹ Kỳ tiến hành lần hội họp thứ 7 của cái gọi là Khuôn khổ Astana về Syria. Chuyến công du nước ngoài này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Putin trong bối cảnh tình hình nước Nga và bản thân ông Putin bị Mỹ và đồng minh cô lập về chính trị. Phe này áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Nga rất quyết liệt về kinh tế, thương mại và tài chính vì Nga phát động chiến sựở Ukraine. Ông Putin vì thế có nhu cầu gây dựng hình ảnh và cảm nhận chung trên thế giới là vẫn làm chủ tình hình ở Nga và chiến sự ở Ukraine, không bị cô lập về chính trị trên thế giới và vẫn có thể chủ động chi phối diễn biến tình hình chính trị an ninh trên thế giới, vẫn có thể tập hợp được đồng minh và tranh thủ được đối tác trong chuyện đối phó Mỹ và phương Tây.
Phe này không thể không quan ngại sâu sắc khi ông Putin thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với Iran cho dù Iran trên danh nghĩa chính thức trung lập trong chuyện Ukraine và có nhu cầu không làm trắc trở thêm mối quan hệ với Mỹ và phương Tây. Nga và Iran không để lộ gì nhưng Mỹ và phương Tây rất lo ngại về khả năng Iran cung cấp vũ khí - cụ thể là máy bay tiêm kích không người lái - cho Nga để phục vụ cho chiến sự của Nga ở Ukraine.
Ông Putin dùng cuộc gặp ba bên ở Iran để phân rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và để dàn xếp cục diện chính trịquân sự và an ninh ở Syria sao cho vừa giúp Nga bảo tồn được lợi ích chiến lược ở Syria để tập trung quân sự cho chiến sự ở Ukraine vừa khiến Mỹ và phương Tây lại phải lưu tâm đối phó Nga ở Syria. Cũng có thể nói ông Putin dùng hoạt động đối ngoại này để phá vây./.
Ngân Hà