Ngày 15/8 vừa qua đánh dấu tròn một năm ngày Taliban dễ dàng và nhanh chóng kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan và trở lại trị vì đất nước này. Những ngày tiếp theo đấy là cuộc di tản hỗn loạn của những binh lính và nhân viên cuối cùng của Mỹ và đồng minh cũng như của những người Afghanistan làm việc cho Mỹ và đồng minh trong thời gian chiến tranh ra khỏi Afghanistan. Ngày này là dấu mốc về một thời kỳ lịch sử mới được mở ra cho Afghanistan và cho mối quan hệ giữa Taliban với Mỹ và các đồng minh trong khối phương Tây.
Về lâu dài thì chưa biết ra sao chứ còn trong một năm qua thì thời kỳ lịch sử mới này thật sự đáng buồn cho Afghanistan. Tuy cố thể hiện đã khác biệt so với trước và bớt thái quá, Taliban vẫn không thay đổi đáng kể gì về bản chất và dần áp dụng trở lại những định hướng chính sách cầm quyền như khi xưa, đặc biệt và trước hết về đôi nội. Taliban chưa cho thấy có được giải pháp thích hợp đưa Afghanistan thoát ra khỏi những khó khăn và thách thức hiện tại về phát triển kinh tế - xã hội, về hoà giải và hoà hợp dân tộc và để giành về được sự công nhận ngoại giao của thế giới bên ngoài cho chính thể mới của Taliban ở Afghanistan. Không có sự công nhận này, Taliban không thể tiếp cận được nguồn viện trợ tài chính từ bên ngoài để giải quyết những vấn đề nan giải và cấp thiết nói trên.
Một năm sau, Mỹ và đồng minh vẫn ở trong tình trạng nghi ngại về Taliban và thủ thế để luôn sẵn sàng đối phó Taliban. Taliban tránh để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp cũng như gia tăng bất hoà về chính trị với Mỹ và đồng minh nhưng cứ dần từng bước lật ngược những thành quả của Mỹ và đồng minh ở Afghanistan về phát triển xã hội dân sự, dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Mỹ và đồng minh vẫn có không thiếu lý do xác đáng để phải lo ngại và phòng ngừa mối đe doạ an ninh và khủng bố từ Afghanistan ở thời Taliban trở lại cầm quyền.
Một năm sau, không ai có thể biết Taliban rồi sẽ đưa Afghanistan đến tương lai nào và sẽ quan hệ ra sao với Mỹ và đồng minh nói riêng, với thế giới bên ngoài nói chung./.
Ngân Hà